Ông Khởi đang kiểm tra những cành bưởi da xanh vừa được chiết ghép để chuẩn bị xuất bán.
Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, ông Hoàng Văn Xương, cho biết, nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp với việc trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi như bưởi, chanh, cam... xã đã khuyến khích người dân chủ động chuyển đổi những diện tích hoa màu, cây công nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng xen canh, lấy ngắn nuôi dài. Vì vậy, nhiều mô hình đã đạt hiệu quả kinh tế cao, các hộ dân có thu nhập khá, giàu ngày càng nhiều.
Hiện, Chiềng Ban có trên 330ha trồng cây ăn quả (trong đó 81ha trồng thuần, trên 249ha trồng xen) gồm: bưởi, cam, chanh leo, nhãn, xoài, mận, táo, ổi, thanh long, bơ… tập trung ở các bản: Hợp 2, Hợp 3, Củ 2, Hoa Mai, Phiêng Quài…. Toàn xã có trên 50 hộ thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên, điển hình như ông Đoàn Thanh Xuân, bản Hợp 2, với diện tích trên 2 ha cam, bưởi, xoài, thu nhập 300 triệu đồng lãi ròng/năm; Hoàng Văn Chất, bản Củ 2, với 4 ha cam/bưởi thu nhập gần 400 triệu đồng/năm…
Ông Đỗ Xuân Khởi, bản Hoa Mai, cho biết, năm 1994, ông đã trồng cam xen cà phê, song, khi có sương muối, cà phê rụng hết lá, trong khi cam vẫn phát triển bình thường. Nhận thấy cây cam phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng Chiềng Ban và nhất là chịu được sương muối, năm 2012, ông đã chuyển dần 1,4ha cà phê sang trồng cây ăn quả. Đến nay, trong vườn đã có 400 gốc cam giống V1, V2; 200 cây bưởi diễn, bưởi da xanh. Năm 2016, thu hoạch 4.000 quả bưởi, giá bán tại vườn: 90.000 đồng/quả; 14 tấn cam: 27.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi ròng gần 500 triệu đồng/năm. Trái cây được các tư thương ở Hà Nội, Hưng Yên đến mua tại vườn.
Ông Đào Đức Năm cũng ở bản Hoa Mai, cho biết, ông có diện tích 1,5ha, trước đây trồng mía, cà phê, năm 2015 chuyển toàn bộ sang trồng cây ăn quả, gồm: 800 cây cam đường, cam V1, V2; 400 cây bưởi diễn, bưởi da xanh, bưởi hoàng. Cây giống các loại lấy từ Hưng Yên và Viện cây giống Trung ương I; nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên phát triển tốt, sang năm thứ 2 một số cây đã bói hoa. Dự kiến, tháng 10-11/2017 sẽ thu hoạch, trong đó có khoảng 4 tấn cam và 200 quả bưởi. Để chăm sóc vườn cây, ông Năm đã đầu tư hệ thống tưới ẩm nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; tạo tán, cắt tỉa cành đúng kỹ thuật, quy trình.
Từ kết quả trên có thể khẳng định, việc chuyển hướng trồng cây ăn quả ở Chiềng Ban thời gian qua là hướng đi đúng đắn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Là mô hình sống động cho những hộ muốn chuyển đổi, cơ cấu lại vườn tược để có thu nhập cao, ổn định. Tuy nhiên, để cây ăn quả ỏ Chiềng Ban phát triển, có chỗ đứng trên thị trường, tiến tới xây dựng thương hiệu thì còn nhiều việc phải làm. Đặc biệt là sự quan tâm của các cấp, ngành có liên quan, hỗ trợ bà con quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, tạo niềm tin trên thị trường. Mặt khác, các hộ cũng cần phải liên kết trong sản xuất để nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Được biết, sau thành công của Chiềng Ban nhiều người dân trên địa bàn Sơn La đã đến thăm mô hình cây ăn trái và học cách làm vườn của bà con nơi đây.
Dương An Như/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn