Bảo vệ tài nguyên rừng
Tận dụng bóng râm từ những tán rừng tự nhiên, người dân ở xã Tung Chung Phố có thể kiếm được gần trăm triệu đồng mỗi năm từ cây sa nhân. Đây là loại cây dễ trồng, sinh trưởng tốt, không cần phải tốn nhiều thời gian chăm sóc, phân bón, thuốc men,... mà vẫn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, ông Vương Sử Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố - cho biết.
Cây sa nhân có thể trồng ở độ cao trên 1.000m, trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch và rễ cây lan tới đâu thì diện tích trồng tự được mở rộng tới đó. Ở Tung Chung Phố, từ năm 2013 với diện tích hơn 1ha ban đầu, hiện nay trên địa bàn xã đã mở rộng được hơn 10ha sa nhân. Mỗi năm cho thu hoạch 2 lần với giá cả ổn định, dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg tươi hay 200.000 - 250.000 đồng/kg khô, bình quân một năm người dân sẽ có thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/1ha sa nhân.
Theo ông Ngọc, ngoài hiệu quả kinh tế, cây sa nhân trồng dưới tán rừng còn giúp chống rửa trôi và xói mòn đất, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Ngoài ra việc trồng xen kẽ loại cây này còn có tác dụng cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng hệ số sử dụng đất lâm nghiệp một cách bền vững cho mảnh đất quanh năm “khát” nước này. Là địa phương có nhiều cánh rừng khá lớn, tận dụng những tán rừng tự nhiên, người dân xã Tung Chung Phố đã đưa cây sa nhân vào trồng, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế từ loài cây này.
Năm 2013, anh Vàng A Tề, thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố đã cải tạo lại hơn 1ha đất đồi để trồng cây sa nhân xen với đồi bạch đàn, keo. Tới đầu năm 2017 gia đình anh thu hoạch được vụ đầu tiên thu về gần 100 triệu đồng.
“Nhờ loại cây này, kinh tế gia đình tôi giờ đây cũng đã cải thiện không nhỏ, tôi có thể cho các cháu đi học đầy đủ, gia đình cũng sắm được những vật dụng cần thiết phục vụ cho nông nghiệp. Không chỉ thu được quả sa nhân, ngoài ra gia đình tôi còn thu thêm được một nguồn thu từ cây giống sa nhân và cây mỡ. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm diện tích cây sa nhân và có thể gắn bó lâu dài với loại cây này”, anh Tề chia sẻ.
Cây thoát nghèo trên mảnh đất “khát” nước
Mới chỉ vài năm trước đây, thôn Cán Hồ, xã Tung Chung Phố đất còn bỏ hoang hóa cho cỏ dại mọc thì nay nơi đây bạt ngàn màu xanh của cây sa nhân núp bóng dưới những cây thân gỗ to lực lưỡng vươn mình giữa đại ngàn. Cán Hồ hôm nay đã thay da đổi thịt từng ngày, nhiều ngôi nhà xây kiên cố trên núi cao thay cho nhà gỗ, tất cả được làm từ tiền bán quả sa nhân.
Đến thăm gia đình ông Phào Seo Phà, dân tộc Mông, là hộ tiên phong trồng cây sa nhân ở mảnh đất quanh năm thiếu nước này, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi căn nhà được xây mới với nhiều tiện nghi hiện đại. Ông Phà cho biết: "Trước kia gia đình nhà tôi nghèo lắm, cơm không đủ mà ăn. Tôi phải sang Trung Quốc bốc vác thuê nhưng được đồng nào cũng hết đồng đấy vì ở nhà hẳn mấy cái miệng ăn liền. Nhận thấy bà con vùng biên Trung Quốc trồng rất nhiều sa nhân mà cho thu hoạch cao tôi bỏ công việc bốc vác rồi vay mượn tiền anh em mua giống sa nhân về trồng. Sau hơn 4 năm trồng, trên 5.000 gốc sa nhân dưới tán rừng đã cho gia đình tôi thu hoạch ổn định, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả bước đầu, đến nay gia đình tôi lại tiếp tục trồng thêm 7.000 gốc sa nhân nữa".
Theo ông Phà, so với các loại cây trồng khác, trồng cây sa nhân không phải làm cỏ mà chỉ phải bón phân một lần duy nhất vào lúc mới trồng, nên ít tốn chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, nhiều hộ gia đình ở thôn Cán Hồ đã mạnh dạn nhân giống và trồng sa nhân với diện tích trên 10ha, tất cả đều phát triển tốt đem về thu nhập cao cho nhiều gia đình. Trưởng thôn Giàng Seo Câu, thôn Cán Hồ cũng lấy làm phấn khởi, tự hào khi thấy thôn mình đang khởi sắc từng ngày với những ngôi nhà mái ngói nhiều màu, những chiếc chảo thu sóng truyền hình gắn san sát, những con đường đã được bê tông hóa một phần nhờ vào giống cây sa nhân này.
Tại xã Nậm Chảy, diện tích trồng cây sa nhân là trên 40ha. Dẫn tôi thăm những cây sa nhân đang mơn mởn lá, anh Giàng Diu Chiến, thôn Gia Khâu B cho biết: “Đối với vùng đất thích hợp như Gia Khâu B, cây sa nhân trồng rất dễ, chi phí bỏ ra ít, không tốn nhiều như trồng ngô, chỉ mất hai năm đầu làm cỏ. Khi cây đã lớn thì mọc kín và lan ra khắp các tán rừng nên hầu như hằng năm chỉ có nhổ cỏ từ 1 - 2 lần. Cứ tới tháng 7 chỉ việc thu quả và tư thương đến tận nơi thu mua. Năm 2017, với diện tích gần 2ha gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng. Nếu không trồng sa nhân chắc giờ gia đình tôi chưa thoát nghèo đâu”.
Ông Phạm Xuân Thịnh - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương - cho biết, cây sa nhân giờ đây đã trở thành cây thế mạnh của toàn huyện. Hiện tại, diện tích cây sa nhân toàn huyện là hơn 100ha trồng tập trung ở các xã vùng cao như Nậm Chảy, Tung Chung Phố… trên diện tích rừng trồng và rừng tái sinh ở một số thôn bản. Nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nên cây sa nhân phát triển khá tốt, cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với sản xuất ngô, lúa. Mặc dù với diện tích còn chưa nhiều nhưng thời gian tới đây là hướng đi mới và là cây mang lại thu nhập cao cho các hộ dân nơi đây.