Trước thực trạng, nguồn thu ngân sách của TP.Hà Nội sụt giảm, dẫn tới khó bố trí vốn cho nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo là chọn những tiêu chí cần ít tiền để làm trước.
Nhiều cách làm hayChia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết khó khăn về vốn của địa phương, ông Đinh Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: “Trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, chúng tôi đã tiến hành đánh giá các tiêu chí, sau đó tập trung vào các tiêu chí cần thiết nhất để ưu tiên làm. Kinh nghiệm cho thấy, xây dựng NTM nên làm từ trong nhà ra ngoài ngõ, bởi đây đều là những việc không cần nhiều kinh phí”. Do khó khăn về vốn, nhiều địa phương ở Hà Nội đã ưu tiên vốn cho chuyển đổi cây trồng, phát triển sản xuất (trong ảnh, người dân xã Nam Hồng, huyện Đông Anh) tưới nước cho rau.
Cũng để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, một số địa phương khác của Hà Nội đã tập trung ưu tiên, bố trí vốn phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Văn Xuyên- Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa cho biết, hiện huyện đã bố trí 8 tỷ đồng/năm cho công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. “Huyện hỗ trợ 3,8 triệu đồng/ha sản xuất lúa cho các vùng diện tích trên 30ha trở lên”- ông Xuyên cho biết thêm. TS Hoàng Thanh Vân- Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội nhận định, việc triển khai hàng loạt các chương trình, đề án đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng thu nhập của người dân lên gấp 5-7 lần, thậm chí 12 lần so với những cây trồng truyền thống. Hướng sắp tới của Hà Nội là tập trung phát triển các giống vật nuôi năng suất, chất lượng cao, đa dạng hóa các giống cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.Tránh huy động quá sức dânTheo ông Phạm Văn Khương- Phó Giám đốc Sở KHĐT TP.Hà Nội, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong điều kiện ngân sách khó khăn, các huyện cần rà soát ngay các dự án xây dựng NTM, tập trung nguồn lực thực hiện một số nội dung ưu tiên làm trước.
Một khó khăn nữa của Hà Nội là nợ công trong xây dựng cơ bản toàn thành phố còn lớn, theo kiểm toán, các địa phương còn nợ gần 2.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu của các huyện do dồn vào xây dựng NTM. |
Ông Khương cũng đề nghị: “Đối với những công trình trong diện phải làm, cũng phải rà soát, tính toán, đảm bảo tiết kiệm tối ưu... Đặc biệt, cần đa dạng hóa huy động sức dân, tránh tình trạng huy động quá sức nhân dân khi triển khai xây dựng NTM”. Ông Nguyễn Công Soái - Phó Bí thư Thường trực, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 Thành ủy Hà Nội cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, do mưa nhiều, nên vụ mùa năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đều giảm. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là thu ngân sách giảm. Trước những khó khăn trên, ông Soái đề nghị các địa phương tập trung hoàn thành NTM ở các xã điểm, lựa chọn các xã có tiêu chí cơ bản hoàn thành. “Trong quá trình xây dựng NTM, cần lưu ý bàn bạc với nhân dân. Bàn dân chủ công khai, khi dân đồng thuận thì mới tổ chức thực hiện”- ông Soái nhấn mạnh. Hải Hà
Nguồn danviet.vn