Cùng nông dân thoát nghèo
Nhà ông Đoàn Văn Khanh (Tư Khanh) nằm giữa mênh mông vườn tược xanh um. “Với 8 công đất trồng bưởi, xen kẽ dừa sáp, mật gấu, sâm đất…, một nhà máy chế xuất tinh dầu khép kín, mỗi năm thu lời hơn 7 tỷ đồng, Tư Khanh là nông dân làm giàu giỏi nhất xứ này đó”, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Song Thuận nói, đầy khâm phục.
Ông Đoàn Văn Khanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Song Thuận |
Năm 1994, đang làm Tổng giám đốc Công ty Khai thác gỗ (Tỉnh đội Tiền Giang), ông Khanh đột ngột “cáo quan”. Ở tuổi 40, bỏ lại chức tước, ông về quê làm nông dân. Khi ấy, ai cũng kêu ông khùng...
Ông Khanh là thương binh hạng 2/4, cánh tay phải bị thương 2 lần, ngắn rụt lại so với tay trái, những ngón tay gù gập, cong queo. Được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông Khanh đã có những quyết sách không giống ai để giúp các hội viên thoát nghèo.
Trước đây, các hội, đoàn đều giúp hộ nghèo vay cây, con giống. Riêng Tư Khanh lại làm ngược lại, ông giao dê giống, thỏ giống cho các hộ khá giả nuôi. Thành viên trong Hội phản đối dữ dội, nhưng ông chắc nịch: “Nếu thất bại, tui sẽ bỏ tiền túi ra đền”.
Kết quả, sau một năm, Hội thu về gấp đôi số dê và gấp mười số thỏ để trao miễn phí cho các hộ khó khăn.
Thêm giá trị cho trái bưởi...
Đã hơn 10 năm, ông Khanh mày mò nghiên cứu, thử nghiệm để cho ra đời gần 30 sản phẩm từ cây bưởi, dừa sáp và thuốc nam trong vườn nhà. Ông thành lập doanh nghiệp tư nhân Long Thuận, mở rộng sản xuất, bao tiêu toàn bộ đầu ra cho bà con.
Mùa cây bưởi ra bông, ông thu mua, chiết xuất tinh dầu bưởi trị hói đầu, rụng tóc. Khi cây bưởi cho thu hoạch trái, ông mua bưởi ép lấy nước. Vỏ bưởi được ông tận dụng để chưng cất tinh dầu, làm mứt; bã quay trở lại gốc bưởi làm phân bón hữu cơ. Tinh dầu hoa bưởi và nước ép bưởi của ông đã đoạt giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ 7 (năm 2008). Giải pháp Biến vỏ, hoa bưởi thành tinh dầu kích thích mọc tóc của ông được Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam cấp chứng nhận “Điển hình sáng tạo Việt Nam”.
“Chưng cất tinh dầu hoa bưởi xong, tui mang đến để bà Tám Phẩm (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Song Thuận) xài thử. Sau nửa tháng, thấy Tám Phẩm đội khăn xăm xăm bước vô nhà, tui háo hức hỏi: “Sao rồi chị?”. Bà Tám Phẩm mếu máo tháo khăn, chỉ thấy trơ da đầu”, ông Khanh cười lớn khi kể về lần thử nghiệm đầu tiên.
Cả đêm hôm đó, ông Khanh suy nghĩ và nhận ra, vì tham công dụng mà cô tinh dầu đặc quá, gây ra tác dụng ngược. “Tui mất rất nhiều ngày để tính lại công thức, phá lò chưng cất cũ, xây lò mới rồi lấy mái tóc của mình thử nghiệm. Ngày tóc mọc dày hơn, tui mang… cái đầu tui sang kèm tinh dầu mới để “đền”, Tám Phẩm mới dám xài lại”, ông Khanh kể.
Chọn lối đi khác biệt
Luôn tâm niệm: “Mình đuối về vốn liếng và công nghệ, thì phải làm những cái khác biệt”, nên sản phẩm ông Khanh làm ra thường không giống ai, từ nước bưởi yến, trà bột bưởi thay thế rau xanh, đến kẹo dừa sáp hương bưởi, trà hoa bưởi thảo dược...
12 năm vừa làm nông dân, công nhân sản xuất chính, vừa điều hành doanh nghiệp với gần 50 đại lý trên cả nước, ông Khanh vẫn mộc mạc, giản dị. Ông bảo, làm nông dân mà không áp dụng khoa học, không chọn lối đi khác biệt thì khó làm giàu. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Khanh còn đau đáu nghĩ tới bà con nông dân, giúp họ cải thiện cuộc sống và khá giả hơn.
Khi tôi nhắc đến biệt danh “Vua bưởi” Tiền Giang, ông Khanh gạt phắt đi: “Tui giúp bà con bán hoa trái với giá ổn định, cao hơn bán cho thương lái. Với tui, đó là điều ý nghĩa nhất, chớ mấy danh xưng kia, tui thấy kỳ lắm”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn