Phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, công nghệ cao theo chuỗi giá trị, củng cố chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững, tạo ra sản phẩm đặc sản có chất lượng, giá trị hàng hóa cao là mục tiêu mà ngành chăn nuôi tỉnh ta đang hướng tới.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã rà soát, dành quỹ đất xây dựng vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn, tập trung theo hướng hiệu quả, an toàn, bền vững. Vận động, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ chăn nuôi trang trại khép kín vào sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh và nâng cao hiệu quả sản xuất. Xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, nhất là các cơ sở chăn nuôi tập trung. Cùng với đó, đẩy mạnh nâng cao kiến thức, năng lực cho người chăn nuôi để họ có khả năng tiếp cận với khoa học, công nghệ mới, chuyển giao nhanh và áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Đáng chú ý, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, trở thành mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã và đang định hướng cho các địa phương tổ chức lại hệ thống sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm theo chuỗi khép kín từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm thịt, trứng, sữa trong chăn nuôi; đồng thời, tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và tham gia xuất khẩu, dần hình thành các tổ chức hiệp hội trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, rà soát, thống kê về quỹ đất, số lượng trang trại, tổng đàn để có kế hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi phù hợp với từng địa phương theo hướng vừa đảm bảo ổn định thị trường vừa bảo vệ môi trường chăn nuôi gắn với an toàn thực phẩm. Ngoài ra, thời gian qua, các địa phương cũng chú trọng đến công tác nâng cao tầm vóc, năng suất, chất lượng đàn gia súc thông qua công tác thụ tinh nhân tạo, trồng cây thức ăn chăn nuôi làm nguồn thức ăn chính...
Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, tỉnh ta đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, như: Hỗ trợ xây dựng hạ tầng đến chân hàng rào cho khu trang trại chăn nuôi tập trung có ít nhất 4 trang trại chăn nuôi trở lên, mỗi trang trại phải có quy mô 300 con trở lên đối với trang trại bò, trang trại lợn phải có quy mô 200 con lợn nái ngoại sinh sản trở lên hoặc 100 lợn nái ngoại sinh sản và 500 con lợn ngoại nuôi thịt trở lên, còn đối với trang trại gà phải có quy mô 20.000 con gà lông màu nuôi thịt trở lên hoặc 10.000 con gà lông màu nuôi sinh sản trở lên hoặc 10.000 con gà lông màu nuôi thịt và 5.000 con gà lông màu sinh sản trở lên. Mức hỗ trợ là 100% kinh phí xây dựng, nhưng không quá 3 tỷ đồng/khu đối với khu vực miền xuôi và 3,5 tỷ đồng/khu đối với khu vực miền núi.
Kết quả chăn nuôi đã chuyển mạnh từ nông hộ sang trang trại tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm về vật tư đầu vào từ con giống, thức ăn, phụ gia bổ sung trong quá trình chăn nuôi đều được quản lý chặt chẽ hơn. Các sản phẩm lợi thế được tập trung phát triển, toàn tỉnh đã phát triển được 6.500 con bò sữa, 17.150 con bò thịt chất lượng cao, 35.000 con lợn hướng nạc, 5,8 triệu con gà lông màu và gần 800.000 con nuôi đặc sản. Đáng chú ý, thời gian qua, tỉnh ta đã thu hút và triển khai thực hiện một số dự án chăn nuôi quy mô lớn, như: Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) đã xây dựng Trại bò sữa Thanh Hóa 2 tại xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh; Công ty TNHH bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa xây dựng các trang trại bò sữa công nghệ cao, tổng quy mô 16.000 con; Công ty CP ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH đầu tư dự án bò sữa, với quy mô 20.000 con; Công ty CP chăn nuôi Bá Thước đầu tư dự án bò thịt chất lượng cao, quy mô 20.000 bê đực được nhập về từ Úc; Công ty CP thức ăn chăn nuôi Thái Dương đang đầu tư thực hiện dự án liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn và chế biến nông sản với quy mô dự kiến 100.000 tấn/năm và 70.000 con lợn... Ngoài ra, thông qua việc thực hiện các giải pháp về xây dựng vùng chăn nuôi, ngành chăn nuôi của tỉnh đã định hình rõ rệt tái cơ cấu vùng, chăn nuôi lợn ngoại hướng nạc tập trung ở các huyện đồng bằng và trung du, chăn nuôi bò sữa phát triển ở các nông trường được chuyển đổi thành công ty TNHH 2 thành viên, như: Nông trường Yên Mỹ, Nông trường Thống nhất và các huyện phụ cận; đàn gà lông màu phát triển ở các vùng có lợi thế, đảm bảo môi trường; con nuôi đặc sản được phát triển tập trung ở vùng núi và trung du.
Hương Thơm/baothanhhoa.vn