Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, sản xuất phát triển, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân nâng lên rõ rệt; an ninh trật tự xã hội bảo đảm, cảnh quan, môi trường sạch đẹp, nhân dân phấn khởi, tin tưởng... là những thành công bước đầu của chương trình xây dựng NTM ở TP Hồ Chí Minh.
So với sáu xã thuộc giai đoạn 1, việc triển khai xây dựng NTM trên diện rộng có nhiều thuận lợi. Trước hết là quyết tâm chính trị cao của Thành ủy, UBND thành phố, các quận, huyện trong lãnh đạo, chỉ đạo chương trình. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân thành phố cùng thi đua "chung sức xây dựng NTM". Những kinh nghiệm về lập đồ án quy hoạch, huy động nguồn lực, quản lý dự án, liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là phát huy vai trò chủ thể của nông dân... là những bài học quý, được vận dụng hiệu quả trong xây dựng NTM ở những địa bàn nhân rộng. Đây là tiền đề giúp để đạt được các tiêu chí một cách bền vững.
Trong xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng giữ vai trò tiền đề, là xuất phát điểm để thực hiện các tiêu chí khác, nhất là tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của nông dân. Thực tế ở nhiều xã xây dựng NTM cho thấy, đường giao thông thuận lợi, hệ thống tưới, tiêu bảo đảm không chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả, việc giao lưu hàng hóa thuận lợi hơn mà cùng với đó, các công trình xây dựng khác như trường học, trạm y tế, chợ... còn là nhân tố làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại; góp phần làm cho đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nông dân ngày một nâng lên.
Năm 2013, tổng số vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM của thành phố là 3.058 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ xã hội lên đến hơn 2.322 tỷ đồng, chiếm gần 76%. Sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân địa phương trong xây dựng NTM còn thể hiện bằng việc nông dân đóng góp tài sản, công sức cho chương trình. Từ năm 2012 đến nay, có hơn 8.000 hộ nông dân tự nguyện hiến 841.000 m 2 đất để mở đường, đào kênh, mương thủy lợi và các công trình xây dựng khác với tổng trị giá 710 tỷ đồng. Nông dân còn góp hàng trăm nghìn ngày công lao động trực tiếp làm đường, thủy lợi nội đồng, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng... Nhiều hộ nông dân nghèo nhưng vẫn tự nguyện tháo dỡ vật dụng kiến trúc, chặt bỏ cây ăn trái phục vụ các công trình xây dựng mà không nhận tiền đền bù. Chỉ riêng huyện Hóc Môn đã có gần 1.000 hộ nông dân đã hiến 100.000 m 2 đất trị giá hơn 100 tỷ đồng; 8.000 ngày công lao động, đóng góp 10 tỷ đồng bê-tông hóa 113 tuyến đường với tổng chiều dài 13,34 km.
Điểm nổi bật của chương trình xây dựng NTM năm qua là hiệu quả của chương trình chuyển dịch kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân nông thôn. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM thành phố, năm 2013, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 14.633 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2013, trong đó ngành trồng trọt tăng 3,7%; chăn nuôi tăng 4,2%; dịch vụ nông nghiệp tăng 4,7%; thủy sản tăng 9,9%. Đây cũng là kết quả chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong những năm qua. Năm 2013, hiệu suất canh tác trên một ha đất nông nghiệp của thành phố đạt 282 triệu đồng, tăng 43 triệu đồng so với năm 2012. Rất nhiều cánh đồng của nông dân cho thu nhập 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm, nhiều diện tích trồng hoa cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Một trong những huyện đạt hiệu quả sản xuất nông nghiệp cao là Củ Chi. Là huyện trọng điểm nông nghiệp của thành phố, Củ Chi có hệ thống tưới, tiêu khá hoàn chỉnh, rất chủ động. Cùng với đó, hệ thống đường giao thông nông thôn được huyện quan tâm đầu tư phát triển từ nhiều năm trước, đang phát huy hiệu quả cao. Đây là những lợi thế không nhỏ để Củ Chi nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Xây dựng NTM, Củ Chi tập trung vào bốn lĩnh vực chủ yếu, đồng thời là những thế mạnh vốn có của mình đó là chăn nuôi bò sữa; trồng hoa lan -cây kiểng; phát triển rau an toàn và mới đây là kết hợp nông nghiệp với du lịch.
Về chăn nuôi, toàn huyện có gần 63.000 con bò, trong đó có 33.000 con đang vắt sữa. Ngoài sản lượng 200.000 tấn sữa, mỗi năm Củ Chi còn cung cấp 5.000 con bò giống cho các địa phương khác. Chủ động thức ăn xanh cho bò, huyện khuyến khích nông dân chuyển đổi ruộng lúa không hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Đến nay, toàn huyện có 3.420 ha cỏ, với năng suất bình quân 300 tấn/ha, mỗi ha cỏ cho thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng mỗi năm, cao gấp sáu lần so với trồng lúa. Tính đến năm 2014, Củ Chi có 2.600 ha rau an toàn, năng suất 70 tấn/ha, cung cấp gần 20% nhu cầu rau xanh của thành phố. Đầu ra ổn định, giá bán hợp lý, mỗi ha rau của Củ Chi cho thu nhập 400 triệu đồng/năm. Củ Chi còn có 620 ha hoa, trong đó 185 ha trồng hoa lan. Nhiều vườn lan quy mô lớn, vừa là nơi sản xuất vừa là điểm du lịch. So với các loại cây trồng khác, lan cắt cành cho thu nhập rất cao, với năng suất 220 nghìn cành, thu nhập từ mỗi ha lan đạt tới 1,5 tỷ đồng/năm. Phát huy lợi thế vùng ven, nằm trên các tuyến du lịch Sài Gòn - Tây Ninh; Sài Gòn - Phnôm Pênh; Địa đạo Củ Chi... nhiều nông dân liên kết, kết hợp đón khách du lịch. Tham quan, trải nghiệm thực tế nhà nông đang trở thành loại hình du lịch hấp dẫn, thu hút khá đông du khách, nhất là các em học sinh, các bạn thanh niên thành phố và cả khách nước ngoài đến với Củ Chi, đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân, đồng thời góp phần làm sinh động thêm bức tranh nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của nông dân, được hỗ trợ của phong trào "Cả thành phố chung tay xây dựng nông thôn mới", hướng tới mục tiêu phấn đấu đạt bình quân 18/19 tiêu chí vào cuối năm nay, có thể nói chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố mang tên Bác đang trên đà tới đích.