Chuyển biến tích cực từ những mô hình kinh tế hợp tác
Thứ năm - 24/08/2017 20:04
Những năm gần đây, kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác phong phú, mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) kiểu mới đã có những bước chuyển tích cực, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong việc góp phần tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn của thành phố.
Trang trại nuôi bò sữa của bà Trần Thị Lan (huyện Củ Chi).
Từ một mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, HTX bò sữa Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) không ngừng đổi mới, sáng tạo, vươn lên trở thành một trong những đơn vị điển hình tiên tiến của TP Hồ Chí Minh. Giám đốc HTX bò sữa Tân Thông Hội Nguyễn Minh Khánh cho biết, HTX vừa tung ra thị trường các sản phẩm sữa thành phẩm như sữa thanh trùng, sữa chua ăn, sữa chua uống... Đây là dấu ấn mới, tín hiệu đáng mừng của HTX khi chính thức trở thành một nhà cung ứng sữa thành phẩm cho thị trường thành phố và các tỉnh lân cận. “Mới đây, HTX đã được thành phố duyệt cho vay 26 tỷ đồng để mở rộng sản xuất, mua sắm trang thiết bị máy móc, vật tư nông nghiệp. Đó là động lực để bà con xã viên thêm vững tin vào mô hình HTX kiểu mới mà Ban quản trị chúng tôi định hướng” - ông Nguyễn Minh Khánh chia sẻ. Trước đó, đơn vị này cũng xây dựng và đưa vào vận hành phòng thí nghiệm ngay trong trụ sở HTX, với các loại máy móc, thiết bị sử dụng phương pháp phân tích theo các chỉ tiêu về vi sinh (phương pháp thử Xanh mê-thi-len), cảm quan, lý hóa. Với phòng thí nghiệm này, HTX đã có thể kiểm soát được chất lượng sữa, đồng thời có cơ sở để bảo vệ lợi ích chính đáng của xã viên và các hộ nông dân bán sữa qua HTX, tránh bị ép giá từ phía công ty tiêu thụ sữa. Hiện, HTX có 300 xã viên, cung ứng sữa cho nhiều đối tác như Công ty Bò sữa Long Thành, Công ty CP Sữa Quốc tế, Công ty Bò sữa TP Hồ Chí Minh...
Phó Giám đốc HTX rau an toàn Phước An Đào Thanh Đức cho hay, HTX sản xuất khoảng 10 tấn rau/ngày. Để thích nghi với mô hình HTX kiểu mới, HTX đang tích cực chuyển đổi hoạt động sang phương án đầu tư sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm phát sinh trong quá trình chế biến rau xanh; đồng thời, lập đội ngũ thu gom rác phát sinh từ quá trình sơ chế rau. Với chiến lược sản xuất, kinh doanh này, HTX kỳ vọng sẽ nâng cao lợi nhuận; bảo đảm lợi ích, tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các xã viên. THT hoa kiểng Linh Đông (quận Thủ Đức) cũng đang vươn mình với đa dạng giống cây trồng, lập trang web giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện cho xã viên vay vốn… Tổ trưởng THT hoa kiểng Linh Đông Đỗ Văn Thiêm chia sẻ: “Từ ngày thành lập tổ, chúng tôi hoạt động bài bản hơn, có sinh hoạt, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chứ không theo kiểu “mạnh ai nấy trồng” như trước đây. Nhờ đó đầu ra ổn định, đời sống xã viên được nâng lên, ai cũng phấn khởi và động viên các hộ bên ngoài cùng tham gia”.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố, hầu hết các HTX, THT chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản và một số ít làm các dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Tuy ở mức độ khác nhau, nhưng các mô hình này đã chủ động vươn lên, trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên, thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Trần Ngọc Hổ cho biết: Tính đến cuối tháng 7-2017, thành phố có 229 THT, 68 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Để hỗ trợ các HTX nông nghiệp - dịch vụ mới thành lập mua sắm cơ sở vật chất ban đầu, Sở đã đề xuất UBND thành phố hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/HTX, đã có 18 trong số 36 HTX được duyệt vay gói này. Bên cạnh đó, Sở còn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào các cây trồng, vật nuôi chủ lực của thành phố cho các HTX, THT. Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Lê Tuấn Tài chia sẻ, liên minh có Quỹ trợ vốn xã viên HTX (CCM) với hơn 3.000 cộng tác viên, hoạt động trợ vốn phủ khắp 24 quận huyện. CCM phối hợp với các phòng kinh tế quận huyện, phường xã, hỗ trợ xã viên mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, CCM là hy vọng của các HTX không có tài sản thế chấp vay ngân hàng yên tâm mở rộng sản xuất, kinh doanh; thay đổi trang thiết bị, tăng thu nhập cho tổ viên, xã viên. Giai đoạn 2013 - 2016, Quỹ đã trợ vốn hơn 4.200 tỷ đồng cho thành viên HTX, THT.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Bạch Mai cho biết: “Hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn thành phố hoạt động rất hiệu quả, thu nhập bình quân từ 40 đến 50 triệu đồng/người/năm, nông dân rất phấn khởi. Các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chính là đòn bẩy, động lực hỗ trợ cho các HTX, THT trong giai đoạn đầu thành lập. Muốn phát triển về lâu dài, đòi hỏi các mô hình phải chủ động, linh hoạt hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thông qua đội ngũ quản lý có trình độ, năng lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như hội nhập kinh tế”.