Đường trục thôn Áng Hin đang được bê tông hóa. |
Côn Minh là xã cửa ngõ phía Tây của huyện Na Rì, xã có 14 thôn bản hành chính với hơn 662 hộ dân sinh sống. Đồng chí Lộc Văn Thắng- Chủ tịch UBND xã Côn Minh cho biết: Xác định việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, nhất là kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội chưa đảm bảo nên ngay từ khi lập quy hoạch, xã đã chủ động phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Chương trình đến nhân dân. Đồng thời trong quá trình thực hiện tiếp thu ý kiến, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tăng cường vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào phát triển kinh tế, phát huy nội lực, lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, quỹ hỗ trợ Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ… để xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn, nâng cấp, tu sửa đường làng ngõ xóm, máng, mương thuỷ lợi…, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Từ năm 2011 đến nay, xã đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở: giao thông nông thôn, thủy lợi và hỗ trợ phát triển sản xuất… Riêng năm 2016, xã đầu tư 1 tỷ 149 triệu đồng để nâng cấp 2 tuyến đường trục thôn Nà Cằm, Lùng Vạng, nguồn vốn 135 đầu tư 1 tỷ 086 triệu đồng xây dựng Trường Mầm non xã Côn Minh ; đầu tư kiên cố hóa hệ thống thủy lợi, xây mới 380m kênh với tổng kinh phí 275 triệu đồng từ nguồn vốn cấp bù miễn thu thủy lợi phí; vận động, hỗ trợ, tuyên truyền các hộ dân di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh…
Để giúp người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng; đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Vì thế, trong các phần việc, công trình, người dân cần được thông tin đầy đủ, tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến và mọi thứ đều phải được công khai, minh bạch, nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân trong quá trình triển khai, thực hiện.
Hằng năm, xã có kế hoạch phát động thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã là lực lượng nòng cốt. Mặt trận Tổ quốc xã tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp vật chất, công sức, tiền của trên nguyên tắc tự nguyện hiến đất, để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Hội Nông dân chọn việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ, khai thác tốt tiềm năng kinh tế vườn, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn phát triển sản xuất hàng hóa, đưa khoa học - kỹ thuật, cây, con giống mới vào sản xuất nông nghiệp. Hội Liên hiệp Phụ nữ chọn việc giữ gìn môi trường, xã hội lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh và phát triển, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, thiết chế văn hóa, thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chỉnh trang nhà cửa, tranh thủ các nguồn vốn tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ. Đoàn Thanh niên chọn việc đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, đi đầu trong xây dựng xã hội học tập, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiệt tình tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Hội Cựu chiến binh chủ trì trong phối hợp tổ chức các hoạt động quần chúng tự quản ở thôn bản, tham gia xây dựng các mô hình có hiệu quả trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Xác định việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương. Đặc biệt, xã tập trung tuyên truyền, vận động nông dân phát triển cây dong riềng - cây trồng mũi nhọn trong kinh tế nông nghiệp đem lại hiệu quả cao, giúp người dân giảm nghèo. Hiện, xã có 102ha dong riềng, diện tích trồng mỗi năm một tăng.
Nhờ tập trung phát triển kinh tế, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã theo chuẩn nghèo đa chiều còn 31,2%, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 50 triệu đồng/ha; 100% hộ có xe máy, các phương tiện nghe nhìn; nhiều gia đình mua ô tô phục vụ vận chuyển dong riềng. Bà Lộc Thị Thuyết- Trưởng thôn Bản Cào cho biết: Đa số người dân trong thôn đều trồng dong riềng với diện tích trung bình 0,2ha/hộ. Thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt hơn 20 triệu đồng/năm, nhiều gia đình trồng dong riềng kết hợp trồng rừng có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm; thôn hiện chỉ còn 8 hộ nghèo.
Đến nay, xã Côn Minh đã hoàn thành 10/19 tiêu chí nông thôn mới. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, xã tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, lồng ghép các chương trình, dự án để hoàn thành các tiêu chí còn lại; phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới./.
Theo Duy Đức /Báo bắc Cạn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn