Về Vĩnh Thủy hôm nay, chỉ cần hỏi ông “Truyền cá” thì từ trẻ nhỏ đến người già đều biết và chỉ ngay đến ngôi nhà rộng rãi khang trang bên con đường lớn. Sở dĩ ông nổi tiếng trong xã một phần cũng bởi sự “lì lợm” khi một thân một mình dám dựng chòi giữa đồng hoang để khai phá.
Ông Trần Đăng Truyền phát triển kinh tế vườn ao chuồng. |
Sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em, tháng 1/1965, ông Truyền tham gia dân quân, thuộc cơ quan thủy lợi Quảng Trị, để bảo vệ đập La Ngà, huyện Vĩnh Linh. Từ tháng 10/1968 - 10 /1971 ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong (nay là đơn vị TNXP VL 368) của Đoàn thanh niên huyện Vĩnh Linh, tham gia chiến đấu và sửa chữa đập, dẫn nước về cho nhân dân sản xuất. Sau giải phóng, ông về công tác tại trạm quản lý thủy nông Bến Hải nay là Công ty Thủy lợi Vĩnh Linh.
Năm 1989 ông nghỉ hưu, lúc ấy hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn vất vả khi 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, kinh tế thiếu thốn đủ bề. Với mong muốn thoát nghèo từ trên mảnh đất quê hương, năm 2002 ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp cá, lúa, lò ấp trứng, nuôi lợn.
Người dân địa phương ai cũng biết đến ông “Truyền cá”. |
Ông Truyền nhớ lại cái thời bị cho là “điên” khi đứng ra đấu thầu 7 ha đất để khai hoang phát triển mô hình vườn - ao - chuồng. Đến nay, nhìn trang trại xanh mướt một màu, ao cá trải rộng của ông Truyền, ít ai biết xưa kia vùng đất này từng bị bỏ hoang chỉ có cỏ dại mọc cao quá đầu và hố bom chi chít. Không ngại khó khăn, với quan niệm “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, đều đặn mỗi ngày từ sáng sớm đến tối khuya, ông đều có mặt trên đồng ruộng để đắp bờ, lấy nước, phát cỏ dại, làm đất… Ông chia sẻ: “Hai vợ chồng suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, thế mà vẫn thất bại, bao nhiêu vốn liếng cùng với vay mượn người thân mới gây dựng được 800 con vịt, những mong cuộc sống của gia đình sẽ đỡ vất vả hơn, nhưng dịch bệnh đến khiến cả đàn vịt chết dần chết mòn cuối cùng sót lại 13 con.
Mọi hy vọng, sự cố gắng tưởng chừng như bị dập tắt, suốt cả tháng trời vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ, vịt chết, tiền mất… Không khuất phục số phận, với phương châm “Thua keo này ta bày keo khác”, vợ chồng tôi bán hết vật dụng trong nhà đầu tư lại đàn lợn 10 con, cũng như tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng cá -lúa. Trời không phụ lòng người, dần dần gia đình tôi gây dựng lại được cơ nghiệp có nguồn vốn để trả nợ và mở rộng phát triển sản xuất”.
Giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng hàng ngày ông vẫn có mặt ở trang trại để làm lụng, chăn nuôi. Ông Phan Ngọc Nghĩa, Chủ tịch xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh cho biết: Ngày xưa, gia đình ông Truyền thuộc dạng nghèo của xã. Không chấp nhận số phận ông đã tiên phong khai hoang đầu tư xây dựng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng. Sau nhiều thất bại tưởng chừng phải bỏ dở thì hiện nay trang trại của ông thuộc dạng thành công nhất xã, giúp đỡ nhiều người trong xã có việc làm mỗi khi thời vụ đến. Đây là mô hình kinh tế tổng hợp có tính chắc chắn và hiệu quả cao. Bên cạnh đó, thiết thực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới của quê hương, ông Truyền đã đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như hỗ trợ con giống và hướng dẫn kĩ thuật cho bà con trong xã phát triển sản xuất…
Trải qua quá trình lao động không ngừng nghỉ hiện nay ông Truyền đã có một trang trại 7 ha; trong đó có 3 ha trồng lúa kết hợp nuôi cá, mỗi năm cho thu hoạch trên 18 tấn lúa và 35 triệu đồng tiền cá thịt. Bên cạnh đó, mỗi năm gia đình ông cung cấp cho thị trường trên 3 vạn con cá giống. Ông còn gây dựng đàn gà thả vườn với trên 300 con; 40 con lợn thịt, đàn vịt thịt với trên 1.500 con…
Thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp, ông Truyền bỏ tiền đầu tư máy gặt lúa, 2 ô tô chở hàng, máy bơm nước, máy tuốt lúa... Hàng năm, trừ chi phí, mô hình kinh tế của gia đình ông mang lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Từ đây, góp phần tạo công ăn việc làm cho con cháu, cũng như thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế của địa phương đi lên. Chưa dừng lại ở đây, ông Truyền cho biết, thời gian tới ông sẽ hướng dẫn hỗ trợ con cháu tiếp tục mở rộng đầu tư nuôi trồng một số loại cây con mới cũng như tiếp tục đầu tư mua sắm thêm máy móc phục vụ nông nghiệp…
Ông Trần Minh Hiến, Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Vĩnh Linh cho biết: “Trong nhiều năm liền ông Truyền luôn là một hội viên mẫu mực, đi đầu trong phát triển kinh tế của Hội. Từ mô hình vườn - ao - chuồng của ông, để khuyến khích các hội viên tích cực học hỏi cách làm cũng như tinh thần sáng tạo của ông. Ở ông chúng tôi thấy được sự cố gắng không ngừng nghỉ, dù đã già nhưng ông luôn là tấm gương tốt giáo dục con cháu học tập noi theo”.