Cựu chiến binh tận tâm, tận lực với tín dụng chính sách
Thứ tư - 25/12/2019 23:09
Đến nhà ông Lương Đình Thắng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn - người mà bà con nơi đây vẫn nhắc đến như một sợi dây kết nối, hướng dẫn sử dụng vốn vay ưu đãi và là tấm gương làm ăn giỏi ở quê nghèo này.
Theo giới thiệu của Hội Cựu chiến binh xã Đồng Y (Bắc Sơn - Lạng Sơn) và của nhiều người dân thôn Nà Nhì, chúng tôi tìm đến nhà ông Lương Đình Thắng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn - người mà bà con nơi đây vẫn nhắc đến như một sợi dây kết nối, hướng dẫn sử dụng vốn vay ưu đãi và là tấm gương làm ăn giỏi ở quê nghèo này.
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”
Năm 2002, khi các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ được triển khai, thực hiện trên địa bàn xã Đồng Ý cũng là thời điểm ông Thắng nhận nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nà Nhì.
Ông Thắng cho biết: “Lúc tôi mới làm, nhận thức của người dân về vay vốn để phát triển kinh tế còn rất hạn chế. Do đó, công tác tuyên truyền rất vất vả. Ngoài tuyên truyền lồng ghép tại các buổi họp thôn, sinh hoạt hội, tôi phải cùng cán bộ Hội Cựu chiến binh xã, cán bộ NHCSXH “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để phổ biến chính sách, động viên các hộ mạnh dạn vay vốn. Đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng vốn phù hợp với điều kiện từng gia đình”.
Sau khi người dân hiểu và mạnh dạn vay vốn, công tác bình xét cho các hộ vay càng được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Bởi tổ trưởng là người gần gũi với người dân nhất, ông phải xem xét kỹ hộ nào có khả năng trả nợ, chăm chỉ làm ăn hay hộ nào còn chưa biết đầu tư làm gì thì phải định hướng cho họ vay. Đối với những tổ viên gặp khó khăn trong sử dụng vốn, chưa nắm rõ những quy định về chính sách vốn, chưa mạnh dạn đầu tư, sử dụng vốn gặp rủi ro, dịch bệnh…, ông động viên, giúp đỡ các hộ để họ có niềm tin, động lực và trách nhiệm sử dụng vốn.
Chính ông Thắng cũng là người đầu tiên trong thôn vay vốn NHCSXH để chăn nuôi trâu, bò. “Có thời điểm, tôi nuôi tới hơn 10 con trâu và bò. Giờ già rồi, con cháu cũng không muốn vất vả, nên tôi bán bớt lấy tiền gửi tiết kiệm, chỉ để lại 4 con trâu để nuôi”, ông Thắng tâm sự.
Thay đổi tập quán sản xuất
Anh Hoàng Đình Tuyển, hội viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn do ông Thắng quản lý, chia sẻ: “Thấy ông Thắng vay vốn nuôi trâu, bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi cũng ngỏ ý muốn vay và được ông tận tình hướng dẫn. Năm 2017, tôi vay 50 triệu đồng để đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản cùng máy làm bún phục vụ người dân quanh vùng. Sau khi hoàn lại vốn và lãi, cuối năm 2018, tôi vay tiếp 50 triệu nữa để đào ao thả cá và chăn nuôi gà. Đến nay, gia đình tôi có thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm, con cái được đi học đầy đủ.
Từ sử dụng vốn đầu tư chăn nuôi, trồng rừng, mua máy móc, phân bón phục vụ sản xuất, nhiều hộ dân ở Nà Nhì đã thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá. Nếu như năm 2002, tổ còn 24 hộ nghèo thì hiện nay, tổ chỉ còn 2 hộ nghèo đang từng bước vươn thoát nghèo trong năm tới. Đặc biệt là nhờ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả, đầu tư trồng cây ăn quả, nuôi gà kết hợp thả cá…, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập 50 - 150 triệu đồng/năm.
Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Đồng Ý Hoàng Hữu Nguyên cho biết: Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nà Nhì do Hội Cựu chiến binh xã quản lý nhiều năm qua hoạt động khá tốt. Có kết quả đó phải kể đến vai trò của ông Thắng, một tổ trưởng năng động, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, tận tâm giúp người dân có vốn để phát triển sản xuất, từ đó thay đổi tập quán sản xuất hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, bản thân ông cũng vay vốn nhiều lần để phát triển kinh tế, là tấm gương để bà con học tập, vươn lên.
Trong 17 năm qua, ông Thắng đã 7 lần được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn; 2 lần được NHCSXH Việt Nam tặng Giấy khen và nhiều năm liền được NHCSXH tỉnh biểu dương, khen thưởng vì đóng góp tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách.