Ông Võ Thanh Chín - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Kon Tum cho biết: Để giúp các hội viên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, Hội CCB đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, học tập các mô hình phát triển kinh tế. Tính đến 30/6/2019, toàn tỉnh đã có trên 1.460 hội viên Hội CCB thoát nghèo (giảm 80% so với năm 2015).
Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng
Không chỉ có mô hình CCB Nguyễn Văn Lý hay của CCB Bùi Quang Chắc thành công từ sự hỗ trợ của vốn vay ưu đãi, mà hiện nay đã có hàng trăm mô hình như thế đã tạo ra nhiều hiệu quả tích cực, có ý nghĩa nhân rộng cao. Hiện nay CCB là 1 trong 4 tổ chức Hội được NHCSXH ủy thác để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng với chất lượng tốt, chi phí thấp.
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội CCB Việt Nam Nguyễn Văn Đạo, hoạt động ủy thác cho vay được xác định là việc quan trọng của Hội, giúp CCB có điều kiện vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Những năm qua, Hội CCB Việt Nam vẫn luôn trăn trở tìm các giải pháp để làm sao thực hiện tốt nhất các hoạt động cho vay ủy thác. Từ những hoạt động thiết thực và ý nghĩa này giúp cho hội viên thấy vị trí, vai trò của tổ chức Hội, tin cậy Hội, tìm đến Hội, để phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng kinh tế địa phương.
Tính đến ngày 30/6/2019, tổng dư nợ vốn vay của NHCSXH ủy thác qua Hội CCB đạt 32.356 tỷ đồng, chiếm 16,37% tổng dư nợ của NHCSXH, tăng gần 2.013 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Hiện nay, Hội CCB đang quản lý 31.158 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 1 triệu hộ vay, 99,94% số Tổ tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư 1.476 tỷ đồng (tăng 99,4 tỷ đồng so với năm 2018). Bằng các nguồn vốn huy động cùng với vốn vay từ NHCSXH đã giải quyết cho 68.650 lao động và việc làm cho hội viên CCB. 6 tháng đầu năm 2019 giảm được 12 nghìn hộ CCB nghèo, hơn 11 nghìn hộ CCB cận nghèo, xóa được gần 3 nghìn căn nhà dột nát, tạm bợ…
Bên cạnh đó, Hội CCB còn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và các hội, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong việc tăng cường phối hợp với NHCSXH, cấp uỷ, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Hội CCB cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các cấp hội tiếp tục nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng chính sách, về tác hại của “tín dụng đen”…
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Hội CCB là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và các hội, đoàn thể tập trung chỉ đạo, tìm các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, Điểm giao dịch tại xã, phường; tích cực tuyên truyền và thông tin công khai các chủ trương chính sách liên quan đến tín dụng chính sách và tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng, trong đó có hội viên CCB tiếp cận vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả.
Đánh giá cao vai trò của Hội CCB trong việc hỗ trợ hội viên CCB nghèo vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Bùi Quang Vinh cũng đề nghị Hội CCB các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các đơn vị có chất lượng tín dụng chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, để chuẩn bị cho hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng, Hội CCB cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về nguồn vốn, tăng trưởng dư nợ, chất lượng hoạt động tín dụng…/.