Chiều 11-3, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong năm 2018 ngành nông nghiệp đề ra kế hoạch chuyển đổi khoảng 118.290 ha đất trồng lúa ở những nơi kém hiệu quả, khó khăn về nguồn nước, bị ảnh hưởng hạn mặn… tại ĐBSCL sang trồng các loại rau màu, cây ít sử dụng nước, cây ăn trái, nuôi thủy sản… cho hiệu quả kinh tế cao hơn lúa.
Nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả, bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, thiếu nước... sẽ tiếp tục được chuyển đổi sang các loại cây khác cho hiệu quả cao hơn
Cụ thể, chỉ riêng vụ Đông Xuân 2017-2018, nông dân các tỉnh ĐBSCL đã thực hiện chuyển đổi được hơn 16.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng nhiều loại cây khác như: bắp, đậu phộng, đậu tương, rau màu, cam, bưởi, xoài…
Do vụ Đông Xuân là vụ lúa chủ lực ở ĐBSCL, nhất là những khu vực ở vùng phù sa ngọt cạnh sông Tiền, sông Hậu… vì vậy việc chuyển đổi không nhiều. Các vụ tới đây, nhiều địa phương sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa.
Trồng chôm chôm ở Bến Tre cho hiệu quả kinh tế cao hơn lúa Cũng theo Cục Trồng trọt, qua đánh giá ban đầu về hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa tại một số vùng ở ĐBSCL cho thấy, lợi nhuận từ trồng bưởi Năm Roi đạt hơn 667 triệu đồng/ha/năm; nhãn lãi 464 triệu đồng/ha/năm; xoài lãi 445 triệu đồng/ha/năm; chôm chôm lãi 227 triệu đồng/ha/năm; cam sành lãi 370 triệu đồng/ha/năm… cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Nông dân huyện Cầu Kè (Trà Vinh) chuyển đổi đất lúa sang trồng cam sành Theo Nguyễn Thanh/Báo SGGP.vn