Tuổi trẻ Đan Phượng tham gia xây dựng con đường bích họa. Ảnh: Hòa An |
Mang lại diện mạo mới cho mỗi con đường
Hết năm 2015, Đan Phượng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới, tuy nhiên, Phó Chủ tịch huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, Đan Phượng quyết tâm duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được thông qua việc xây dựng xã NTM kiểu mẫu của Thủ đô.
Để xây dựng xã NTM kiểu mẫu, Đan Phượng tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân” theo hướng “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”. Tập trung vào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa các thôn, xóm; lắp biển tên đường; gắn số nhà; trồng hoa ở các trục đường.
Lấy ví dụ cụ thể về phong trào “đường có hoa, nhà có số, phố có tên” của huyện Đan Phượng, ông Nguyễn Thạc Hùng cho biết, phong trào đang được nhân rộng ở nhiều xã, góp phần thay đổi về ý thức, nhận thức xây dựng NTM, người dân đồng lòng cùng xây dựng ngõ phố xanh, sạch, đẹp ở từng thôn, từng xóm.
Trên địa bàn huyện Đan Phượng, chương trình xây dựng các xã NTM kiểu mẫu đang được tập trung tại 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung. Đến nay, huyện đã có 15 xã cơ bản hoàn thành việc đặt tên đường, gắn biển số nhà ở các xã, thị trấn, xây dựng được 74 tuyến đường với 12,3 km “đường có hoa”.
Những con đường có hoa và con đường bích họa của xã Đan Phượng, Đồng Tháp, Liên Hồng hiện đang được huyện Đan Phượng triển khai nhân rộng, tạo diện mạo mới cho hình ảnh của huyện ngoại thành NTM.
“Có hộ gia đình đã tự nguyện hiến 270 m2 đất, ủng hộ 2,1 tỷ đồng để xây dựng ao, làm đường giao thông”, ông Hùng cho biết về phong trào xã hội hóa trong xây dựng NTM ở Đan Phượng đang được đẩy mạnh.
Trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, toàn huyện đã có 5 xã đạt chuẩn văn hóa NTM, trên 72% làng, cụm dân cư, trên 66% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Ông Nguyễn Thạc Hùng cũng cho biết, qua tổ chức đánh giá 1 năm thực hiện Đề án nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, tổ dân phố giai đoạn 2016-2020, đến nay toàn huyện có 118 nhà văn hóa, chất lượng hoạt động của các nhà văn hóa đã được nâng lên rõ rệt.
Phát triển vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao
Trong 9 tháng năm 2017, tổng giá trị sản xuất của Đan Phượng ước đạt trên 8.100 tỷ đồng, tăng 9,02 so với cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng đạt trên 3.780 tỷ đồng; sản xuất ngành dịch vụ-thương mại trên 3.600 tỷ đồng và sản xuất nông nghiệp, thủy sản ước đạt 723 tỷ đồng
Theo Phó Chủ tịch huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, định hướng trong phát triển kinh tế của huyện là tiếp tục phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, chuyên canh. Huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình tập trung, tích tụ đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết nông sản.
Thực hiện mục tiêu này, trong 9 tháng năm 2017, Đan Phượng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện đã chuyển đổi thêm 91 ha, gồm 37 ha hoa, 24 ha rau an toàn, trên 20 ha cây ăn quả, trên 64,4 ha sản xuất lúa-cá, trên 5 ha cây thuốc và cây kinh tế khác… Đan Phượng cũng đầu tư trên 18 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, nạo vét kênh mương, áp dụng cơ giới hóa phục vụ sản xuất.
Theo Phó Chủ tịch Đan Phượng, bước đầu huyện tập trung kêu gọi đã có một số nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu lập dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.
Theo Hòa An/Báo Chính Phủ.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn