Tỉnh Tiền Giang có hai huyện tiếp giáp với biển Đông có tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản xuất khẩu vùng sinh thái lợ và mặn, đó là Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Riêng huyện Gò Công Đông đã xác định con tôm và con nghêu là hai đối tượng thủy sản quan trọng cần được chú trọng.
Đầm nuôi tôm ở xã Tân Điền (Gò Công Đông). Ảnh: Minh Trí - TTXVNHuyện Gò Công Đông có 32 km bờ biển, phía Bắc có cửa Soài Rạp trên sông Soài Rạp và phía nam có cửa Tiểu trên sông Tiền, là địa phương giàu tiềm năng về nuôi thủy sản có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu với nhiều đối tượng thủy sản đang được thị trường ưa chuộng: tôm sú, tôm thẻ, nghêu, cua biển, …
Theo ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, địa phương quan tâm khai thác tốt các tiềm năng đất đai, lao động và ngành nghề của huyện miền biển nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giúp nông nghiệp – nông dân – nông thôn thay đổi diện mạo, ngày càng giàu mạnh trước thách thức biến đổi khí hậu rõ nét. Đặc biệt đánh thức tiềm năng nuôi trồng thủy sản ven biển Gò Công được xem là ưu tiên hàng đầu.
Tùy theo đặc thù từng vùng, địa phương khuyến khích nông dân đưa vào nuôi những đối tượng phù hợp. Ví dụ con tôm ở ven cửa sông, phía trong đê biển, những địa bàn bị nhiễm mặn không thể trồng lúa hoặc các cây trồng vật nuôi khác; nuôi nghêu ở các khu vực xã Tân Thành giáp vàm cửa Tiểu thuộc hệ sông Tiền.
Nhiều năm qua, Gò Công Đông đã thành công khi hình thành vùng nuôi nghêu nguyên liệu gần 2.000 ha đất bãi bồi ven biển Tân Thành. Trung bình mỗi năm vùng nuôi đạt sản lượng gần 20.000 tấn nghêu phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu. Gần đây, địa phương còn kết hợp nuôi nghêu với phát triển du lịch sinh thái biển tại xã Tân Thành góp phần giải quyết công ăn việc làm, giảm nghèo nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Một trong những nông dân nhiều năm nay dựng nên cơ nghiệp từ nghề nuôi nghêu thương phẩm là ông Trần Văn Chỉ, cư ngụ tại ấp Tân Phú, xã Tân Thành. Gia đình ông bắt đầu nuôi nghêu vào năm 1989, đến nay đã gần 30 năm. Ban đầu ông nuôi diện tích nhỏ rút kinh nghiệm, thấy thành công mới nhân ra diện rộng. Hiện, ông Trần Văn Chỉ sở hữu 6 ha nghêu nuôi. Trung bình mỗi năm, ông thu lãi trên nửa tỉ đồng từ con nghêu nuôi ven biển Tân Thành, trở thành một trong những tỉ phú của vùng nuôi Tân Thành.
Dựng nên cơ nghiệp từ con nghêu ven biển Gò Công, ông Trần Văn Chỉ cũng giúp đỡ về vốn liếng, kỹ thuật hỗ trợ hai hộ nghèo tại địa phương là ông Ngô Minh Hiệp và ông Nguyễn Minh Hoàng phát triển chăn nuôi bò thoát nghèo. Ông Chỉ đã vinh dự nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ về thành tích sản xuất – kinh doanh giỏi và hết lòng vì cộng đồng.
Theo ông Lê Quốc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, nhờ khai thác tốt các tiềm năng kinh tế; trong đó chú trọng mũi nhọn nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển du lịch biển, địa phương nâng thu nhập bình quân đầu người lên 39,5 triệu đồng/ năm và giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống mức 3,83%. Đầu năm 2018, Tân Thành cũng được công nhận đạt và ra mắt xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh đó, nhờ những chính sách khuyến khích của Nhà nước như: khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, quy hoạch vùng nuôi, thị trường tiêu thụ,…nghề nuôi tôm nước mặn, nước lợ đang phát triển ở các xã ven biển, ven cửa sông của huyện Gò Công Đông, góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. Nhiều nông hộ từ chỗ khó khăn đã giàu có lên sau vài ba vụ bội thụ.
Điển hình có hộ ông Trần Quang Thành, cư ngụ tại ấp Xóm Rẫy, xã Kiểng Phước. Ông Thành vốn là bộ đội xuất ngũ về địa phương. Hưởng ứng chủ trương nhà nước, ông học hỏi kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi 2 ha đất nhiễm mặn sang nuôi tôm.
Nhờ nắm vững quy trình, chọn con giống tốt, sạch bệnh, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn qua từng vụ nuôi…vụ nào ông Trần Quang Thành cũng bội thu. Trung bình mỗi năm, ông đạt sản lượng nuôi gần 10 tấn tôm thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, ông còn lãi ròng từ 300 triệu đến 400 triệu đồng. Nhờ thu nhập cao từ nghề nuôi tôm, gia đình ông Thành vượt khó, thoát nghèo và trở thành triệu phú ở vùng đất ven biển đầy khó khăn ngày nào.
Không chỉ nuôi tôm thành công, nhiều năm “bất bại”, ông Trần Quang Thành còn là một tấm gương hết lòng vì cộng đồng, nhất là trong việc giảm nghèo nông thôn. Trung bình mỗi năm, ông góp trên 50 triệu đồng giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách neo đơn và kiện toàn kiến thiết hạ tầng, giao thông nông thôn trên địa bàn xã Kiểng Phước.
Tương tự, có ông Phạm Văn Tánh, cư ngụ tại xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông. Ông Tánh chuyển đổi 1,5 ha đất nhiễm mặn ven sông Tiền vào nuôi tôm. Ban đầu ông chuyên nuôi tôm sú. Về sau, tùy theo nhu cầu thị trường và giá cả tôm thương phẩm, ông nuôi tôm thẻ hoặc kết hợp giữa nuôi tôm sú và tôm thẻ.
Theo ông Tánh, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, còn lãi ròng trên 400 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa một vụ trước đây. Nhờ thu nhập cao từ nghề nuôi tôm sú và tôm thẻ, ông đã tậu thêm được 1 ha đất, nâng tổng quỹ đất sản xuất lên 2,5 ha.
Theo những nông dân đi tiên phong và thành công với nghề nuôi tôm ven biển: Trần Quang Thành và Phạm Văn Tánh, một trong những yếu tố giúp cho người nuôi thành công là: chọn con giống tốt, sạch bệnh; xử lý ao tôm đúng kỹ thuật, giữ môi trường vùng nuôi tốt và nắm vững những kiến thức khoa học cần thiết về con tôm và qui trình nuôi tôm, xử lý dịch bệnh,…
Theo ông Nguyễn Văn Quí, nửa đầu năm 2018, huyện đã xây dựng 2 mô hình trên lĩnh vực nuôi tôm. Đó là mô hình ứng dụng men vi sinh kết hợp sụt khí đáy trong nuôi tôm thẻ chân trắng và mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ. Hai mô hình trên được triển khai tại xã ven biển Tân Thành.
Năm 2018, Gò Công Đông đưa 3.555 ha mặt nước vào nuôi thủy sản, chủ yếu nuôi khu vưc nước mặn và nước lợ trong đó có 880 ha nuôi tôm, 2.000 ha nuôi nghêu, còn lại là diện tích nuôi cá nước ngọt trong nội đồng. Từ đầu năm đến nay, Gò Công Đông đã thu hoạch từ nuôi trồng gần 12.000 tấn tôm cá các loại. Địa phương phấn đấu đạt sản lượng nuôi cả năm khoảng 24.000 tấn tôm cá phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Theo Minh Trí/Báo ẢNh DT&MN.vn