Mua vòng qua thương lái
Hiện nay việc truy xuất nguồn gốc (đeo vòng) cho heo được cho vẫn còn gặp khó khăn, nhất là các trại chăn nuôi nhỏ lẻ.
Đơn cử như ở tỉnh Đồng Nai, đây là địa phương trọng điểm của cả nước về chăn nuôi heo với tổng đàn khoảng 1 triệu con thì có gần phân nửa là xuất vào thị trường TP.HCM. Thực ra, từ ngày 1/3, heo ở Đồng Nai muốn vào TP.HCM cũng bắt buộc phải đeo vòng để truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, đây vẫn là chuyện của thương lái vì người chăn nuôi còn đứng ngoài cuộc.
TP.HCM đã và đang có chính sách giảm 50% chi phí vòng đeo cho heo để hỗ trợ người chăn nuôi. Nhưng thực tế, các trại chăn nuôi lại chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ mà đang phải mua vòng với giá cao theo kiểu “chợ đen".
Cụ thể, với chính sách hỗ trợ, người chăn nuôi hiện chỉ mất 3.000 đồng tiền phí mua vòng đeo. Nhưng muốn mua được là phải liên hệ với Sở Công thương TP.HCM và lên tận nơi để mua. Điều này rất bất tiện nên đa số các trại chăn nuôi đều mua lại từ thương lái.
Thế nên, đã xảy ra tình trạng thương lái cung cấp vòng đeo truy xuất nguồn gốc cho heo mỗi nơi mỗi giá. Ông Lê Văn Vọng, chủ trại heo ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) cho biết: “Tôi vừa bán đợt heo 120 con giá 24.000 đồng/kg hơi, dù đã lỗ mà mỗi con heo, tôi còn bị thương lái trừ mất 10 ngàn đồng chi phí vòng đeo. Dù bức xúc nhưng nói ra chỉ thiệt về mình vì bây giờ chúng tôi đang rất cần họ”.
Ông Trần Đức, chủ trại heo cũng ở xã Bắc Sơn chia sẻ thêm: “Tôi tham dự nhiều hội thảo triển khai đề án đeo vòng truy xuất nguồn gốc heo, nghe nhiều lời hứa hỗ trợ người chăn nuôi nhưng thực tế vẫn chưa có gì. Tôi không thể mỗi lần bán vài chục con heo là mỗi lần lên TP.HCM để mua vòng, vì không có nơi nào khác cung cấp mặt hàng này nên người chăn nuôi buộc phải mua lại của thương lái. Họ tính bao nhiêu thì mình biết bấy nhiêu".
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, những chương trình tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về thực hiện đeo vòng cho heo chủ yếu mới tổ chức một số hội nghị điểm ở cấp tỉnh. Việc triển khai về tận địa phương hầu như chưa được quan tâm nên đa số các trại chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn mù mờ về chương trình.
Mặt khác, các thương lái và chủ trang trại còn cho rằng việc đeo vòng cho heo để truy xuất nguồn gốc có sự trùng lắp. Cụ thể, các trang trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai đều có mã số trang trại; tiêm vacxin theo đúng định kỳ; được sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng; giấy chuyển vùng thì được niêm phong trước khi chuyển vào TP.HCM và các địa phương, cũng là loại giấy tờ có thể truy xuất nguồn gốc. Việc đeo vòng cho heo là không cần thiết, gây tốn kém cho người chăn nuôi. Chưa kể, khi đưa heo vào lò mổ cũng đã được các cơ quan chức năng kiểm tra.
Khó mấy cũng làm
Thực tế, trước khi có đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, tỉnh Đồng Nai đã triển khai việc cấp mã số cho các trang trại chăn nuôi lớn. Theo thống kê, toàn tỉnh đã có 325 trang trại đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc heo, trong đó 50 trang trại đã thực hiện việc truy xuất.
Từ ngày 1/3 cho đến tháng 4, các trang trại này đã thực hiện đeo vòng truy xuất được 46 nghìn con lợn để đưa về thị trường TP.HCM; 8 cơ sở giết mổ đăng ký tham gia chương trình thì có 4 cơ sở với hơn 10 nghìn con heo đã đăng ký truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, từ chương trình Lifsap, địa phương này còn xuất số lượng heo VietGAP rất lớn được truy xuất nguồn gốc vào thị trường TP.HCM, và sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng mô hình VietGAP, cũng như quản lý, kiểm soát siết chặt hơn từ vấn đề môi trường, vi phạm sử dụng chất cấm... để kết nối với đề án.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, PGĐ Sở Công thương TP.HCM, đề án đang gặp một số khó khăn là số lượng người tham gia quá đông với khoảng 1.300 trang trại. Trong các trang trại này có hàng trăm cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hàng chục cơ sở giết mổ, hàng trăm tiểu thương, thương nhân kinh doanh.
Mặt khác, đến nay các chủ thể phải thực hiện một số thao tác trên ứng dụng công nghệ thông tin, dù đã được điều chỉnh đơn giản, nhưng cần phải có thời gian để các chủ thể làm quen. Tuy nhiên, dù có khó mấy vẫn phải làm.
Còn theo ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM, do giá heo giảm mạnh nên số heo hơi được nhập về các cơ sở giết mổ của TP có đeo vòng nhận diện hiện chỉ đạt khoảng 80 - 90%.
Trong số heo hơi đeo vòng nhận diện được nhập về có nhiều trường hợp chỉ mang tính đối phó, chỉ 45% đeo vòng nhận diện là có thông tin, số liệu, còn lại không có thông tin đầy đủ. Chính giá thịt heo giảm mạnh đã tạo áp lực cho các cơ sở chăn nuôi khi phải gánh thêm chi phí vòng nhận diện 6.000 đồng/con, chưa kể đến các chi phí khác.
Theo Vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn