Trước mắt cũng như lâu dài, kinh tế huyện Tân Thạnh cũng như cả vùng ĐTM phải dựa vào cây lúa. Nhưng phải là lúa chất lượng cao (CLC), ứng dụng công nghệ cao (CNC) mới có thể giúp nông dân (ND) thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Khoảng cách 12 năm
Mùa lũ năm 2005 tôi có chuyến công tác 1 tuần lễ ở huyện Tân Thạnh. Ngày ấy, hai bên đường QL62 hàng trăm hộ dân che lều sống tạm bợ vì nhà cửa bị nước lũ nhấn chìm. Thị trấn Tân Thạnh cũng bị lũ đe dọa khi con đê dọc kênh Dương Văn Dương nước lé đé. Tỉnh lộ 829 đường đất đỏ bị ngập sâu, xe không chạy được, tôi phải đi đường sông để vào các xã vùng sâu. Học sinh trường THCS Hậu Thạnh Đông phải đi học bằng xuồng, trong ngôi trường xập xệ, cũng bị ngập sâu.
Ghé thăm nhà người quen là ông Tám Sơn (ấp Cây Sao, xã Tân Lập) - một cựu binh từng tham gia Ủy ban Bốn bên ở Trại David (Tân Sơn Nhất) - tôi phải đi nhờ xuồng qua sông vì không có đường vô ngôi nhà tạm bợ của ông. Đêm về ngủ ở Đài Truyền thanh huyện, thị trấn Tân Thạnh đường đá đỏ nhếch nhác, đìu hiu, muốn tìm quán nhậu cho đỡ buồn cũng không có.
Mùa lũ năm nay trở lại Tân Thạnh, tôi như lạc vào một nơi nào khác. Đoạn QL62 từ Tuyên Nhơn đến đến thị trấn Tân Thạnh bây giờ cũng đông người hai bên đường, nhưng không phải “chạy lũ”, mà là cảnh mua bán sầm uất. Từ khi có tuyến đường N2, xe cộ qua đây ngày càng nhiều, là cơ hội để người ND Tân Thạnh bán nông sản, mở dịch vụ ăn uống,…
Thị trấn Tân Thạnh khang trang, bề thế hơn tôi hình dung. Chợ Tân Thạnh được di dời, cải tạo tươm tất. Khu dân cư thị trấn được quy hoạch hiện đại, xây dựng hoàn chỉnh không thua kém các khu dân cư thành phố. Hai bờ kênh Dương Văn Dương nhếch nhác ngày nào giờ là đường nhựa và bờ kè thẳng tắp. Tỉnh lộ 829 được nhựa hóa rộng thênh thang đưa tôi vào Hậu Thạnh Đông dễ dàng. Cũng như hầu hết các ngôi trường trong huyện, Trường THCS Hậu Thạnh Đông đã được xây dựng khang trang, đạt chuẩn QG. Tôi ghé thăm ông Tám Sơn rất thuận tiện vì đã bắc cầu, làm đường nhựa, ông Tám đang cất nhà khang trang và đang chuẩn bị được nhận Huy hiệu 70 tuổi Đảng.
Tân Thạnh đã đổi thay rất nhiều, như là “lột xác”. Mà “lột xác” đi lên từ chính cây lúa CLC!
Một chương trình đột phá
Tân Thạnh là 1 trong các huyện được tỉnh Long An quy hoạch 50.000ha xây dựng vùng lúa CLC cho xuất khẩu. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015 – 2020) xác định xây dựng vùng lúa CLC là một trong những chương trình đột phá.
Năm 2016, Huyện ủy Tân Thạnh ban hành Nghị quyết 04-NQ/HU về việc tiếp tục xây dựng vùng lúa CLC gắn với phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại. Huyện quy hoạch 5 xã xây dựng vùng lúa CLC là Tân Lập, Nhơn Hòa Lập, Hậu Thạnh Đông, Hậu Thạnh Tây và Bắc Hòa, với diện tích 11.122ha, trong đó 4.504ha lúa ứng dụng CNC. Đồng thời, huyện xây dựng 10 trạm bơm điện phục vụ gần 4.000ha với trên 1.430 hộ tham gia; xây dựng các mô hình: Mô hình sinh thái trong sản xuất, số lượng giống sử dụng giảm xuống còn 80kg/ha, thực hiện các giải pháp: “1 phải - 5 giảm”, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, xây dựng 5 tổ nhân lúa giống với diện tích 85ha,...
Đến nay, phần lớn 5 xã trong vùng quy hoạch lúa CLC có trên 70% ND sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận và không sử dụng giống lúa thông dụng để sản xuất.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập Trương Thanh Nhàn cho biết, Tân Lập được huyện quy hoạch 2.946ha lúa CLC, trong đó, 1.100ha lúa ứng dụng CNC. Xã đã tiến hành quy hoạch vùng lúa CLC; đẩy mạnh tuyên truyền cho tất cả đảng viên, cán bộ và nhân dân hiểu được lợi ích khi tham gia vùng lúa CLC; phân công nhiệm vụ từng tập thể và cá nhân; điều tra, đánh giá việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật của ND trong vùng lúa CLC,... Đặc biệt, xã cử cán bộ thường xuyên xuống cơ sở nắm và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của ND trong vùng lúa CLC. Mục đích của việc xây dựng vùng lúa CLC là giúp ND tạo ra sản phẩm đồng nhất, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Khi tham gia vùng lúa CLC, ND được nhiều lợi ích: Được tập huấn khoa học - kỹ thuật thường xuyên; bao tiêu sản phẩm; được hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu đến thu hoạch; được hỗ trợ 1 lần giống;... Với những lợi ích đó, ND rất phấn khởi khi tham gia vùng lúa CLC.
Tương lai của vùng ĐTM
Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Thạnh Mai Văn On cho biết: Theo kế hoạch, mỗi xã quy hoạch vùng lúa CLC và ứng dụng CNC có ít nhất 1 HTX và 5 - 10 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; 100% diện tích lúa CLC và ứng dụng CNC có trạm bơm điện phục vụ; giảm 20 - 30% (100kg/ha) lượng giống gieo sạ so với cách truyền thống (120 - 150kg/ha); giảm thất thoát trước và sau thu hoạch xuống dưới 10%.
Toàn huyện hiện có 5 HTX hoạt động khá hiệu quả, nhất là HTX Tân Đồng Tiến (ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập). Thời gian qua, các HTX đều thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và ND. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Tân Đồng Tiến Lê Văn Kiệm cho biết: HTX đã ký hợp đồng bán lúa lâu dài với Cty Lương thực Long An. Ngoài sản xuất lúa, HTX còn mở nhiều dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ lúa do các thành viên sản xuất, dịch vụ thu hoạch lúa... Chính vì vậy, người dân mạnh dạn sản xuất theo quy trình của HTX và ký hợp đồng với các doanh nghiệp nên đầu ra luôn được bảo đảm.
Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh Trần Văn Trước cho biết, xây dựng vùng lúa CLC, ứng dụng CNC là nhiệm vụ mới mẻ, nhưng là xu thế tất yếu phải hướng đến. Để vùng lúa CLC và ứng dụng CNC triển khai và đi vào cuộc sống, cần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua công tác tuyên truyền. Huyện ưu tiên nguồn kinh phí bố trí triển khai các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, từng bước quy hoạch và hoàn thiện các nội dung cho vùng. Đồng thời hướng dẫn các xã kiện toàn tổ chức qua việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã, xây dựng Quy chế hoạt động...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn