Nằm trong khuôn khổ chương trình trao đổi, làm việc giữa 2 bên, từ ngày 20.3, đoàn 20 doanh nghiệp Hà Lan do bà Marjolijn Sonnema - Thứ trưởng Nông nghiệp Hà Lan dẫn đầu đã sang thăm và làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam. Đoàn đã có buổi làm việc tại TP.Hồ Chí Minh và mới nhất là cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường.
Hà Lan sẽ chuyển giao nhiều công nghệ cho VN
Trồng khoai tây công nghệ cao ở Lào Cai. Ảnh: H.N
Thái Bình tổ chức xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp "Ngày 8.4 tới đây, tỉnh Thái Bình phối hợp với Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp. Do vậy, rất mong trong hội nghị này, những doanh nghiệp của Hà Lan và Việt Nam sẽ có những cam kết, hợp tác cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao” - ông Nguyễn Hồng Diên- Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. |
Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và bà Marjolijn Sonnema ngày 22.3, hai bên đã có buổi thảo luận khá thiết thực về những vấn đề của nông nghiệp 2 nước hiện nay. Buổi gặp gỡ này còn có sự hiện diện của ông Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, một địa phương đang rất muốn kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp của Việt Nam cũng có mặt để cùng đàm phán, trao đổi về cơ hội hợp tác giữa nông nghiệp 2 nước.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Việt Nam xác định Hà Lan là đất nước có tiềm năng lợi thế về nông nghiệp rất lớn. Mặc dù diện tích chỉ có 4 triệu km2, bằng ĐBSCL của ta với dân số 20 triệu người, nhưng Hà Lan đã vượt lên bằng công nghệ, bằng quản trị, bằng đầu tư và hiện nay đã trở thành cường quốc số 1 về xuất khẩu nông sản. Đặc biệt những mặt hàng nông sản của Hà Lan rất nổi tiếng trên thế giới mà hầu hết người Việt Nam đều biết, ví dụ hoa tulip, bò sữa, khoai tây Hà Lan và nhiều sản phẩm khác”.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị khu vực về An ninh lương thực, diễn ra từ ngày 22-23.3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá việc hai nước xác định trong nội dung hợp tác chiến lược an ninh lương thực là chủ đề rất đúng. Khu vực Asean+6 này chiếm tới 60% dân số của thế giới đang ẩn chứa nhiều rủi ro bởi biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước...
“Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực rau, hoa quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giúp phát triển chuỗi ngành hàng rau quả, cà phê với kết quả thực hiện rất tốt; chương trình đào tạo nhân lực cho ngành. Đặc biệt, Hà Lan đã giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở vùng ĐBSCL”- Bộ trưởng Cường cho biết thêm.
Coi trọng giống hoa, khoai tây của Hà Lan
Nói về triển vọng hợp tác với Hà Lan, bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH (TH true Milk) cho biết, hiện Tập đoàn đang đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Thái Bình với diện tích 3.000ha, do đó rất mong muốn bà Marjolijn Sonnema và các thành viên doanh nghiệp đoàn Hà Lan giới thiệu đối tác để hợp tác về lĩnh vực sản xuất hạt giống rau để bán ở trong nước và xuất khẩu, giống khoai tây.
“Tập đoàn rất mong được hợp tác với Công ty Rijk Zwaan- công ty sản xuất giống rau quả hàng đầu thế giới của Hà Lan. Bên cạnh đó, hàng năm Việt Nam nhập khẩu nhiều giống khoai tây nên Tập đoàn mong muốn có thể hợp tác sản xuất giống cũng như chế biến khoai tây để giảm nhập khẩu” - bà Thái Hương nhấn mạnh.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Hồng Diên cho hay, Thái Bình là tỉnh thành công về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn dựa vào truyền thống, hàm lượng KHCN chưa cao nên chất lượng sản phẩm còn thấp. Vì thế, tỉnh Thái Bình đang xác định 5 điểm đột phá để phát triển nông nghiệp gồm- tập trung nhân rộng mô hình nông nghiệp giá trị cao ở các vùng sinh thái; hình thành mô hình nông nghiệp công nghệ cao; thu hút doanh nghiệp đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực, làm việc trong mô hình nông nghiệp công nghệ cao; khai thác khía cạnh du lịch ở các vùng nông thôn.
Với định hướng như vậy, ông Nguyễn Hồng Diên cam kết sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Thái Bình. Theo ông Diên, trên địa bàn tỉnh đang có 5 tập đoàn, công ty lớn cam kết đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từ sản xuất rau hoa, đến xây dựng nhà máy cơ khí cho nông nghiệp, sản xuất phân vi sinh, thủy sản...
Trước những đề xuất của lãnh đạo TH và tỉnh Thái Bình, bà Marjolijn Sonnema ấn tượng về những khát vọng và mong muốn hợp tác phía Việt Nam và hứa sẽ cử Tham tán thương mại của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam dự hội nghị về xúc tiến đầu tư này. Về việc kết nối doanh nghiệp hai nước hợp tác, bà Marjolijn Sonnema cho biết sẽ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, công ty có điều kiện gặp gỡ nhau để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.
Trước đó, ngày 20.3, đoàn Hà Lan cũng đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp Việt Nam tại TP. HCM. Kết thúc buổi đối thoại, các đơn vị đến từ Hà Lan và Việt Nam đã tiến hành các hoạt động ký kết để hỗ trợ sản xuất, mua bán thiết bị, chuyển giao kiến thức và triển khai các hệ thống nông nghiệp bền vững, công nghệ cao, hợp tác giới thiệu chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp. Ông Từ Minh Thiện- Phó Trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho biết, phái đoàn Hà Lan hiểu rất kỹ các vấn đề mà nông nghiệp Việt Nam đang đối diện. “Các chương trình hỗ trợ và kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật của họ sẽ giúp nhiều cho nông nghiệp trong nước”.
Tác giả bài viết: Hà Vũ - Nguyên Vỹ
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn