Chủ nhân Bùi Văn Sỹ giữa khu nhà kính hoa linh lan.
Mỗi mùa thêm một loài hoa mới
Những tháng cuối năm 2017, mỗi lần về phường 11 (TP.Đà Lạt), lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đều nêu ý tưởng cho tôi về bài viết trang trại luân canh hoa thương mại và du lịch của anh Bùi Văn Sỹ. Cho đến một buổi chiều một ngày cuối năm 2017 tôi mới tiếp cận được anh Sỹ. Đưa tôi đi thăm trang trại, anh Sỹ chia sẻ. “Hồi sáng vừa thu hoạch một đợt hoa chuông, chiều nay thì thu hoạch hoa cúc tím, vài khu nhà kính kế bên đang khẩn trương làm đất để xuống giống đợt hoa cúc vàng mới. Công việc nông dân trồng hoa cứ nối tiếp vậy”.
Bước qua mấy khu nhà kính đang được nhân công tích cực cuốc tỉa đất tơi xốp, tôi hòa mình vào khu nhà kính 4.000m2 ngập đầy hoa chuông hồng, tím, trắng, vàng, xanh... rực rỡ khoe sắc. Theo anh Sỹ, loài hoa chuông này được nhập từ Nhật Bản, còn có tên gọi là hoa linh lan. Với mong muốn tạo thêm sản phẩm hoa đa dạng, trang trại của anh đưa thêm giống hoa chuông trồng thử nghiệm. Qua theo dõi chăm sóc, anh nắm bắt được hoa chuông cần các chế độ sinh trưởng khác nhau, vì vậy, khi vừa hoàn thành xong lứa hoa thử nghiệm là triển khai trồng đại trà.
Bởi đây là giống hoa mới đưa về từ Nhật Bản nên để tạo lợi thế chào bán đầu tiên ở thị trường, anh hợp đồng tổng số tiền 1,2 tỷ đồng mua cây giống trồng độc quyền trong nước với thời hạn 12 tháng, mỗi tháng nhận 50.000 cây giống, giá 2.000 đồng/cây. Trồng theo hình chức cuốn chiếu, sau 90 ngày thu hoạch được 18.000 cây/1.000m2 (bằng 60% số cây canh tác) với giá trung bình 7.000 đồng/cành. Ước tính sơ bộ mỗi cành hoa thu lợi nhuận khoảng 1.500 đồng. Bên cạnh đó, mỗi khu nhà kính trồng hoa chuông cắt cành, anh giữ lại một luống hoa nở bung rực rỡ phục vụ miễn phí khách tham quan.
“Dự kiến qua lứa hoa chuông thứ 2, thứ 3, trang trại tiếp tục hoàn chỉnh kỹ thuật canh tác đạt hiệu quả thu hoạch cành thương phẩm từ 90% trở lên. Và sau 1 năm trồng hoa chuông độc quyền, trang trại sẵn sàng chuyển giao kinh nghiệm cho những ai có nhu cầu”, anh Sỹ nói.
“Đồi Hoa” với 17 loài hoa
Trong quý I/2017, trang trại của anh Sỹ liên kết với hơn 10 hộ nông dân quanh vùng nông nghiệp phường 11 trồng 5ha hoa cúc kim cương trắng xuất sang Hàn Quốc. Trước đó, một doanh nghiệp Hàn Quốc đã trực tiếp tìm đến trang trại đàm phán, ký kết hợp đồng ứng trước vốn, cung cấp cây giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm hoa cúc trắng với giá ấn định 2.000 đồng/cành - mức giá lập đỉnh cao nhất trên thị trường trong cùng một thời điểm lúc đó. Kết quả trung bình 1ha trang trại của anh Sỹ và 10 hộ nông dân liên kết sau hơn 80 ngày xuống giống trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật đã thu hoạch 300- 350.000 cành hoa cúc trắng loại A, xuất sang Hàn Quốc, lãi tính bằng đơn vị trăm triệu đồng.
Khởi nghiệp từ những năm 1980, học xong phổ thông trung học, Sỹ trở về Tự Tạo, cùng gia đình sinh sống bằng nghề trồng bắp cải, cà rốt, khoai tây…ngoài trời. Bước sang cuối những năm 1990, anh mạnh dạn dựng lên nhà kính vài trăm mét vuông trồng hoa cúc chùm màu vàng, mô phỏng thiết kế của doanh nghiệp nước ngoài ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt.
Từ những năm 2000 trở đi, Sỹ đã tiếp cận và áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trên từng luống hoa nhà kính, tích lũy thu nhập từng lứa hoa mùa trước để đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích những luống hoa mới mùa sau. Cứ vậy miệt mài và liên tục hàng năm nâng cao lợi nhuận nghề trồng hoa nhà kính từ vài ngàn mét vuông đất, sau 30 năm, anh Sỹ đã xây dựng cơ nghiệp thành 4ha nhà kính luân canh ổn định khoảng 10 loài hoa cúc, cát tường, cẩm chướng…, chưa kể hàng năm trồng thêm ít nhất một loài hoa mới nhập khẩu như hoa chuông, phi yến…, ngày một mở rộng thị phần thông qua các đầu mối lớn tiêu thụ hoa khắp vùng miền trong nước.
Thương hiệu hoa Sỹ Lâm của nhà nông Bùi Văn Sỹ đã được cấp Chứng nhận nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt” lần thứ 2 có hiệu lực đến tháng 10/2020. Gần 30 lao động địa phương được trang trại Bùi Văn Sỹ giải quyết việc làm quanh năm, mức thu nhập 5- 6 triệu đồng/người/tháng. Riêng gia đình Bùi Văn Sỹ trong tháng 10/2017 đã quyết toán đủ nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng mua đất xây dựng, khánh thành và đưa vào hoạt động Khách sạn “Đồi Hoa” trên đường Lê Hồng Phong (Đà Lạt), tổng diện tích sàn 900m2, gồm 17 phòng mang tên hoa: Lan hồ điệp, cát tường, cỏ hồng, bồ công anh, Lavender, hướng dương, thạch thảo, Mimosa, mai anh đào, tường vi, đỗ quyên, hoa hồng, dã quỳ, quỳnh hương, cúc, cẩm tú cầu và Pensée.
“Khách sạn Đồi Hoa nằm trong chuỗi giá trị sản phẩm hoa nhà kính của trang trại hoa Sỹ Lâm. Khách đến Đồi Hoa không chỉ được nghỉ dưỡng mà còn có cơ hội nghiên cứu, trải nghiệm và kết nối cùng chúng tôi hợp tác góp phần phát triển nghề trồng hoa truyền thống của thành phố hoa Đà Lạt”, Bùi Văn Sỹ mong muốn.
Văn Việt/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn