Trường Mầm non Nam Hồng.
Ông Phạm Văn Đát, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định xây dựng NTM là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, ngay từ đầu, cấp ủy, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đề ra nhiều giải pháp để thực hiện 19 tiêu chí theo từng giai đoạn, từ đó vận dụng, phát huy thế mạnh của địa phương và huy động sức mạnh từ nhân dân. Một trong những nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện đó là tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, giao lưu kinh tế. Đến nay, 100% tuyến đường trục xã, trục thôn, đường làng, ngõ xóm được cứng hóa; các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được xây dựng kiên cố, khang trang. Toàn xã đã hoàn thành các công trình xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu với tổng kinh phí hơn 40,6 tỷ đồng.
Một trong những yếu tố góp phần vào thành công trong xây dựng NTM ở Nam Hồng là việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia sử dụng nước sạch. Tiêu biểu là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã triển khai nhiều hoạt động góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của hội viên, phụ nữ trong việc sử dụng nước sạch, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bà Vũ Thị Sẻ, Chủ tịch Hội cho biết: Cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, Hội còn triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, cuộc vận động tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng NTM. Nhờ đó, 100% gia đình cán bộ phụ nữ đã sử dụng nước sạch; 1.517/1.569 gia đình hội viên phụ nữ sử dụng nước sạch (đạt 96,7%). Đối với những gia đình hội viên là hộ nghèo, Hội đã đăng ký danh sách đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay vốn để xây dựng các công trình phục vụ cho việc sử dụng nước sạch. Từ đó góp phần nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch toàn xã đến nay đạt 83,5%.
Trong quá trình xây dựng NTM, ngoài việc huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh, Nam Hồng luôn xác định công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm. Địa phương đã hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc, vật tư nông nghiệp cho người dân.
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Nam Hồng có bước phát triển khá toàn diện. Diện tích đất nông nghiệp toàn xã hơn 579ha, hình thành 3 vùng sản xuất rõ rệt gồm: vùng chuyên màu hơn 20ha; vùng đất hai lúa kết hợp trồng cây vụ đông hơn 40ha; còn lại là vùng đất hai lúa. Việc thực hiện cơ cấu sản xuất theo công thức luân canh ở các vùng này đều được sử dụng hết diện tích, sản lượng thu được đều có thị trường tiêu thụ mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân. Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng dần trở thành ngành sản xuất chính và chuyển dịch theo hướng hàng hóa.
Cùng với việc giữ vững và phát triển ổn định lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, địa phương cũng triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở nghề luôn có bước phát triển mạnh với nhiều loại hình, tạo ra sản phẩm hàng hóa đa dạng, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn xã.
Năm 2017, tổng giá trị sản xuất của Nam Hồng đạt 514 tỷ đồng (tăng 110,1% so với năm 2016). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực: nông, lâm, thủy sản chiếm 41%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 47,3%; thương mại, dịch vụ chiếm 11,7%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 38,91 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,9%.
Ông Phạm Văn Đát cho biết thêm: Thời gian tới, địa phương tiếp tục đề ra các giải pháp giữ vững và nâng cao các tiêu chí NTM, trong đó chú trọng công tác tổ chức sản xuất, ưu tiên xây dựng những mô hình sản xuất, kinh doanh mang tính bền vững và cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo Thanh Huyền/Báo Thái Bình.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn