Tăng cường hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho nông thôn, miền núi |
Vai trò quan trọng
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc - cho biết: Để đáp ứng yêu cầu thị trường, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế, KH&CN đến từng vùng, từng địa phương, đặc biệt ở những nơi trình độ dân trí còn thấp, điều kiện canh tác khó khăn. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm chủ lực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Để đưa KH&CN đến những nơi này, con đường nhanh nhất hiện nay là phải huy động sự tham gia của các DN.
Bởi các DN có ưu thế về tài chính để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của việc tiếp nhận những công nghệ mới, tiên tiến. Mặt khác, sự hỗ trợ của DN trong việc phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao hiệu quả quá trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Nói cách khác, DN là lực lượng có khả năng biến những sản phẩm của dự án thành hàng hóa, tạo sức sống lâu dài.
Thực tế đã minh chứng, sự tham gia của DN vào các dự án chuyển giao KH&CN đến khu vực nông thôn, miền núi có vai trò quan trọng, mang lại hiệu quả rõ rệt. Ví dụ, Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu theo quy mô công nghiệp tại tỉnh Hà Nam” thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” do Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Ngọc Động (Hà Nam) chủ trì thực hiện. Công ty đã chủ động đầu tư 13,5 tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuất hướng tới xuất khẩu nấm. Nhờ đó, dự án đã giải quyết được hơn 50 lao động làm việc thường xuyên với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng và huy động được trên 1.000 hộ nông dân tham gia trồng nấm với lãi thu được 30-40 triệu đồng/hộ/năm.
Cần ưu tiên hỗ trợ
Theo Bộ KH&CN, công tác chuyển giao KH&CN đến khu vực nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí còn thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Có nhiều mô hình phải làm đi làm lại nhiều lần mới thành công. Do đó, việc triển khai công tác này mất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, cần ưu tiên hỗ trợ các dự án ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN có vai trò hạt nhân của DN.
Theo Công ty TNHH Lengtech (Hưng Yên), do sự khác biệt lớn về điều kiện kinh tế giữa các vùng (đồng bằng, trung du, miền núi, vùng sâu, vùng xa) ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp nhận công nghệ, đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật cho chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng ở nông thôn như: Đường giao thông chưa phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển vật tư, nguyên liệu, sản phẩm đến cơ sở sản xuất, người tiêu dùng. Do vậy, cần có những chính sách đặc thù, có cơ chế động viên và phương pháp phù hợp ở các vùng, miền khác nhau.
Ông Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc: Hiện nay, DN tham gia vào việc đưa KH&CN đến các vùng, địa phương chưa nhiều. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất với Đảng và Nhà nước để có những chính sách cụ thể, thiết thực hơn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn