Mô hình liên kết sản xuất giống lúa vụ đông xuân 2016-2017 tại xã Phổ Hòa (huyện Đức Phổ) đạt hiệu quả kinh tế cao.
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được các cấp chính quyền xác định là mục tiêu cốt lõi của Chương trình XDNTM. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình XDNTM của huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) giai đoạn 2016 - 2020 là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Năm 2016, toàn huyện chuyển đổi trên 150ha đất cát bạc màu ven biển và đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu có hiệu quả kinh tế cao như ngô, lạc, mè, bí xanh, ớt… Năm 2017, Đức Phổ tiếp tục chuyển đổi khoảng 350ha đất gò đồi, cát bạc màu, đất sản xuất không hiệu quả, bấp bênh nước tưới vụ hè thu sang trông ngô, lạc, kiệu, mè, rau an toàn.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác chuyển giao ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đưa các loại giống cây trồng - vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất một số cây trồng nâng cao rõ rệt như lạc đạt 25 tạ/ha, ngô 65 tạ/ha, mè 8 tạ/ha. Trong chăn nuôi, người dân đã ứng dụng các biện pháp tiên tiến trong phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường, sử dụng đệm lót sinh học, tăng cường dịch vụ thú y...
Để đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa (DĐĐT), Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã thẩm định phương án thực hiện DĐĐT tại các xã và phối hợp với các phòng ban tham mưu cho UBND huyện tạm ứng trước tiền ngân sách để các xã thực hiện, tỉnh sẽ thanh toán sau. Năm 2015, Đức Phổ chọn xã Phổ An làm thí điểm và triển khai rộng rãi cho các xã khác thực hiện. Kết quả, năm 2015, hai xã Phổ An và Phổ Thuận đã thực hiện DĐĐT được hơn 64ha. Năm 2016, phong trào DĐĐT ở Đức Phổ tiếp tục được đẩy mạnh. Kết quả, 7 xã trong huyện đã thực hiện DĐĐT được trên 370ha, với tổng kinh phí hơn 7,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 6,592 tỷ đồng, ngân sách huyện 980 triệu đồng và ngân sách xã hơn 6,4 triệu đồng. Một số xã đã thực hiện DĐĐT với diện tích lớn như Phổ Thuận 143,42ha, Phổ An 104,7ha, Phổ Văn 37ha, Phổ Châu 34ha... Huyện xây dựng phương án DĐĐT năm 2017 với tổng diện tích 555ha... Kết quả này tạo cho huyện xây dựng được nhiều cánh đồng lớn, thuận lợi cho việc cơ giới hóa đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó là chính sách hỗ trợ cho vay vốn để phát triển sản suất, nhân dân có điều kiện vay vốn mua máy móc phục vụ sản xuất cơ giới hóa, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho nông dân, tăng hiệu quả sản xuất. Tái cơ cấu ngành chăn nuôi đang đi đúng hướng, như chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt đạt hiệu quả kinh tế cao. Công tác lai tạo giống tốt, hiệu quả chăn nuôi nông hộ ngày càng cao, xuất hiện nhiều hộ làm kinh tế gia trại, trang trại; hiện tỷ lệ đàn bò lai trên địa bàn huyện đạt hơn 90%.
Dồn điền đổi thửa bằng phương tiện cơ giới tại xã Phổ An.
Về thủy sản, nhiều đối tượng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao được đưa vào nuôi như: tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, hàu Thái Bình Dương…; năng lực khai thác hải sản xa bờ được tăng cường. Thực hiện chính sách theo Nghị định 67, ngư dân đã đóng mới 7 tàu để đánh bắt xa bờ, với tổng số tiền 45,4 tỷ đồng; cải hoán đóng mới 52 chiếc, tổng công suất tăng thêm 20.800CV; nâng tổng số tàu của toàn huyện lên 1.472 chiếc với tổng công suất 439.608CV, trong đó tàu thuyền trên 90CV là 1.122 chiếc với tổng công suất 422.791CV.
Nhiều mô hình “dân vận khéo”
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong XDNTM, cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Đức Phổ cùng với Ban chỉ đạo Chương trình XDNTM của huyện đã triển khai thực hiện 88 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 64 mô hình đạt hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục duy trì và nhân rộng 62 mô hình đạt hiệu quả cao (đã được đăng ký thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2015) trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường; giảm nghèo bền vững; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính; vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế; xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc; xây dựng các tổ tự quản, các điểm sáng về an ninh trật tự; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Năm 2016, huyện vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công trị giá trên 14 tỷ đồng, kiên cố trên 5km kênh mương nội đồng; cứng hóa trên 39km đường giao thông nông thôn; lắp 1.355 bóng điện thắp sáng 68km đường quê, xây mới 6 nhà sinh hoạt cộng đồng; dồn điền, đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên 403ha…, góp phần XDNTM tại các xã trong địa bàn huyện.
Và “quả ngọt”
Nhận thức của cán bộ và người dân Đức Phổ về XDNTM đã có chuyển biến rõ rệt. XDNTM trở thành phong trào rộng khắp, ý thức trách nhiệm của người dân từng bước nâng cao, hệ thống chính trị được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.
Sau hơn 6 năm thực hiện XDNTM, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trên 19%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,1% (theo chuẩn mới); 46/54 trường đạt chuẩn quốc gia, 15/15 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; quốc phòng an ninh được đảm bảo. Toàn huyện bê tông, cứng hóa 120,56/162,8km đường trục xã, liên xã; 84,09/265,49km đường trục thôn, xóm; 73,3/261,7km đường xóm, ngõ; 34/238km đường trục chính nội đồng…
Thực hiện Chương trình MTQG XDNTM, đến nay trên địa bàn huyện có 2 xã Phổ Vinh, Phổ Hòa đã đạt chuẩn NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2017 lũy kế có 4/14 xã đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí bình quân đạt được của các xã từ 12-13 tiêu chí; xã điểm tăng từ 2-3 tiêu chí. Định hướng đến cuối năm 2020, Đức Phổ có 10/14 xã về đích NTM, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%.
Với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở, hệ thống hạ tầng nông thôn huyện phát triển mạnh mẽ, điều kiện sống của người dân nông thôn ngày được nâng cao.
Đức Phổ đang phấn đấu xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển huyện trở thành thị xã trực thuộc tỉnh trong năm 2017.
Theo Hải Yến/KTNN.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn