Đầu tư công nghệ cao trong sản xuất giống hoa lan tại huyện An Dương.
Ông Phạm Văn Lập, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hải Phòng cho biết, đến nay 74 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, 25 xã về đích theo kế hoạch năm 2017. Trên cơ sở này, thành phố chủ trương quyết tâm hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới toàn bộ 139 xã trước năm 2020.
Quá trình xây dựng nông thôn mới, Hải Phòng chủ trương gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp: áp dụng một số cơ chế, chính sách mới để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, nhiều xã về đích NTM mới nhờ hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trở thành điển hình về phát triển toàn diện kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con, như xã Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo) được công nhận về đích NTM tháng 8/2017. Tại đây, tập đoàn Vingroup xây dựng 5 nhà kính, mỗi nhà có diện tích gần 1 ha, sử dụng công nghệ trồng rau, củ, quả nhập từ Israel.
Cùng với đó, thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, thành phố chuẩn bị quỹ đất lên tới 1.200 ha kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2030, Hải Phòng dự kiến sẽ có 3 khu, 42 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phó chủ tịch UBND thành phố Phạm Văn Hà chỉ đạo sở NN&PTNT và các sở, ngành liên quan hiện thực hóa giải pháp đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới. Để thu hút nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trước mắt, thành phố giao các sở, ngành chức năng tham mưu tổ chức hội nghị xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản cấp thành phố trong thời gian sớm nhất. Lãnh đạo thành phố sẵn sàng nhận thông tin, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và đối thoại, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư các dự án vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nhất là sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Nhờ những cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo cơ hội, điều kiện từ hạ tầng đến quy hoạch, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm, tìm hiểu, khảo sát và đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Như mô hình sản xuất hoa, dưa trong nhà lưới, nhà kính ở xã Đông Sơn (huyện Thuỷ Nguyên). Mô hình nhà lưới, nhà kính trồng hoa lan ở xã Hồng Thái (huyện An Dương)…
Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới được điều chỉnh với cách làm mới, thiết thực và hiệu quả. Thành phố hỗ trợ xi-măng, nhân dân đóng góp vật tư, nhân công, mặt bằng, để xây dựng các công trình phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hai năm qua, các xã đã làm được 2.987 km đường thôn xóm, đường nội đồng, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, tạo thuận lợi hơn cho phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn