Những khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Trong thời gian qua, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Gia Lai đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát và kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, các đơn vị quân đội và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ban chỉ đạo chương trình được thành lập ở các cấp; hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn triển khai xây dựng chương trình nông thôn mới được Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành kịp thời và đầy đủ; phân bổ kịp thời các nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của chương trình cho các địa phương, tổ chức tập huấn hướng dẫn kiến thức về xây dựng nông thôn mới kịp thời cho 100% cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp huyện và cấp xã… Đây là những điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Sau 6 năm triển khai thực hiện chương trình, tính đến ngày 30-7-2017, toàn tỉnh đã có 30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều xã có số tiêu chí đạt cao đang được các địa phương tập trung nguồn lực đầu tư mạnh mẽ để có thể về đích sớm nhất so với thời hạn đã đề ra (1 xã đạt 15 tiêu chí, 53 xã đạt 10 - 14 tiêu chí). Tuy nhiên so với mục tiêu đề ra, kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 45/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng đến tháng 7-2017 mới có 30 xã đạt.
Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện với 222 xã, phường, thị trấn, trong đó có 184 xã, 2.161 thôn, làng, tổ dân phố. Với số dân khoảng 1,417 triệu người, có 34 dân tộc sinh sống, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 44,7%. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh nếu xét theo tiêu chí mới chiếm 16,95%, lao động chủ yếu phổ thông, năng suất lao động thấp, đời sống của người dân khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn, nhất là đồng bào thiểu số vùng sâu, vùng xa. Đây chính là những khó khăn, thách thức ảnh hưởng nhiều nhất tới toàn bộ tiến trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg, ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 bao gồm 19 tiêu chí với 49 nội dung cụ thể, đặt ra nhiều khó khăn hơn cho việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhiều tiêu chí khó thực hiện ở địa phương, ví dụ như: Kinh phí để đầu tư trường học các cấp còn hạn hẹp, chưa đủ để tập trung hoàn thiện trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Về môi trường, để đánh giá tiêu chuẩn của nước sạch theo quy chuẩn cần có kinh phí để kiểm tra mẫu nước, điều này khó thực hiện vì không đủ kinh phí chi trả cho việc kiểm tra… Bên cạnh đó, việc rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn theo bộ tiêu chí mới còn lúng túng và thụ động. Việc hoàn thiện yêu cầu của các tiêu chí mới này đòi hỏi cần có thêm thời gian và nguồn lực.
Một số khó khăn khác xuất phát từ các khâu trong toàn bộ tiến trình xây dựng nông thôn mới, như: Biên chế cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp còn thiếu, chưa bảo đảm năng lực. Công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện chương trình chưa được thực hiện kịp thời, đồng bộ, từ đó gây khó khăn nhiều cho công tác tham mưu, tổng hợp cho cơ quan thường trực của chương trình.
Nguyên nhân là do đặc thù của địa phương với số hộ nghèo tương đối cao, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số nhiều, một số tiêu chuẩn chưa thực sự phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và phong tục tập quán của nhân dân địa phương. Nguồn lực xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn Trung ương, nguồn nội lực của địa phương cho xây dựng nông thôn mới còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương chưa kịp thời, thường xuyên, chưa khơi dậy được vai trò làm chủ của người dân, còn tình trạng người dân chưa hiểu đúng về bản chất của chương trình và những lợi ích thiết thực đem lại. Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Như vậy, có thể thấy trong toàn bộ tiến trình thực hiện nông thôn mới, vai trò và trách nhiệm của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở vô cùng quan trọng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh là yêu cầu cấp thiết của việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Chú trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh
Xuất phát từ tầm quan trọng và vai trò của hệ thống chính trị cũng như yêu cầu đặt ra của Bộ tiêu chí, qua 6 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống chính trị ở cơ sở của tỉnh đã được củng cố một bước, chất lượng hoạt động hiệu quả hơn, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo quy định của Bộ tiêu chí và Hướng dẫn số 1032/SNV-XDCQ ban hành ngày 6/8/2014 của Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai về việc quy định cụ thể tiêu chí Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh (tiêu chí 18), việc xây dựng tiêu chí Hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả như sau:
Về tổ chức Đảng và chính quyền cơ sở, đến nay có 79/184 xã xếp loại Đảng bộ hoặc chi bộ đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh, đạt 42,93%; 71/184 xã hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm 38,59%. 32/184 xã xếp loại hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 11,96%; 02/184 xã xếp loại yếu kém, chiếm 1,09%. Có 162/184 xã xếp loại chính quyền (Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân) đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh, đạt 88,04%; 22/184 xã xếp loại hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 11,96%.
Đội ngũ cán bộ, công chức xã cơ bản đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Đối với cán bộ xã, trình độ văn hóa THPT có 1.259/1.885 người, đạt 66,79%; trình độ THCS có 560/1.885 người, chiếm 29,71%; Tiểu học có 66/1.885 người, chiếm 3,5%. Đạt chuẩn theo quy định về nông thôn mới (2) 1.549/1.885 người, đạt 82,18%. Trình độ chuyên môn từ Trung cấp trở lên có 1.250/1.885, đạt 66,31%, sơ cấp có 72/1.885, chiếm 3,82%; chưa qua đào tạo 563/1.885, chiếm 29,87%. Đạt chuẩn theo quy định về nông thôn mới là 1.531/1885 người, đạt 81,22%. Trình độ lý luận chính trị từ Trung cấp trở lên có 1.295/1.885, đạt 68,70%, sơ cấp là 429/1.855, chiếm 22,76%; chưa qua đào tạo 161/1.885, chiếm 8,54%. Đạt chuẩn theo quy định về nông thôn mới là 1.616/1885 người, đạt 85,73%.
Đối với công chức xã: Trình độ văn hóa THPT có 1.870/1.980 người, đạt 99,44%; trình độ THCS có 107/1.1980 người, chiếm 5,4%; Tiểu học có 03/1.1980 người, chiếm 0,16%. Đạt chuẩn theo quy định về nông thôn mới 1.958/1.1980 người, đạt 98,89%. Trình độ chuyên môn từ Trung cấp trở lên có 1.945/1.1980, đạt 98,23%, sơ cấp có 24/1.1980, chiếm 1,21%; chưa qua đào tạo 11/1.1980, chiếm 0,56%. Đạt chuẩn theo quy định về nông thôn mới là 1.945/1.1980 người, đạt 81,22%. Trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên có 1.312/1.1980, đạt 66,26%, chưa qua đào tạo 668/1.1980, chiếm 33,74%. Đạt chuẩn theo quy định về nông thôn mới là 1.312/1.1980 người, đạt 66,26%.
Để không ngừng nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, từ năm 2015 đến nay đã đào tạo, bồi dưỡng cho 10.493 lượt cán bộ, công chức với tổng kinh phí thực hiện là 21.156.797.000 đồng. Cơ bản đến nay, tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ, công chức xã về trình độ lý luận, chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của bộ tiêu chí mới, góp phần thực hiện tốt các nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo.
Về tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã cho đến nay, cơ bản bảo đảm 100% Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở các xã xếp loại khá trở lên. Có 171/184 Hội Nông dân xã xếp loại khá trở lên, đạt 92,93%; chỉ có 01/184 xã xếp loại yếu chiếm 0,54%. 169/184 Hội Cựu chiến binh xã xếp loại khá trở lên, đạt 91,85%; không có xã nào xếp loại yếu. Hội Liên hiệp phụ nữ: 171/184 xã xếp loại khá trở lên, đạt 92, 93% còn lại là xếp loại trung bình. Đoàn Thanh niên: 164/184 xã xếp loại khá trở lên, đạt 89,13%; có 01/184 xã xếp loại yếu, chiếm 0,54%. Sự vững mạnh của tổ chức chính trị - xã hội cơ sở sẽ là những tổ chức nòng cốt, tiên phong trong việc vận động, tuyên truyền phát huy vai trò tích cực của nhân dân, huy động nguồn lực địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, để tiếp tục hoàn thành tiêu chí số 18 (18.1) và không ngừng phát huy hơn nữa vai trò tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức và hệ thống chính trị cấp xã nói chung trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ đã thống nhất ban hành văn bản liên tịch đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở các địa phương xây dựng quy hoạch cán bộ hằng năm, giai đoạn bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định. Cán bộ xã đương chức còn thiếu tiêu chuẩn theo chức vụ quy định, cấp ủy phải rà soát tổng hợp và có kế hoạch đào tạo. Ủy ban Nhân dân cấp huyện thường xuyên rà soát, lập kế hoạch đào tạo, chuẩn hóa công chức xã. Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức xã theo quy định và yêu cầu để hoàn thành tiêu chí số 18.
Phát huy vai trò tích cực của hệ thống chính trị cấp cơ sở đẩy nhanh tiến độ về đích nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, Gia Lai có ít nhất 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 4 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới đòi hỏi hệ thống chính trị phải phát huy tốt vai trò của mình trên một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đối với vấn đề chỉ đạo, điều hành và giám sát xây dựng nông thôn mới tại cơ sở. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền cấp xã trong việc chỉ đạo, điều hành, giám sát việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực tiễn việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới những năm qua cho thấy sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương có vai trò quyết định. Do đó, để hoàn thành các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, trực tiếp là cấp xã. Bên cạnh đó tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thứ hai, đối với việc tuyên truyền sâu rộng nội dung, mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nâng cao nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị, nhất là vai trò người đứng đầu các địa phương trong xây dựng nông thôn mới, phải xác định nông thôn mới là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững.
Cán bộ, đảng viên thành viên các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở phải trở thành những hạt nhân chính, chủ động, tích cực trong việc tham gia xây dựng, tuyên truyền nông thôn mới tại địa phương cơ sở, để nhân dân nhận thức rõ thực hiện xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, biến chủ trương thành nguyện vọng chính đáng của nhân dân nông thôn, để xây dựng nông thôn mới thực sự trở thành phong trào sâu rộng, sôi nổi và hiệu quả đều khắp trong toàn tỉnh, lôi cuốn, huy động mọi nguồn lực và sức sáng tạo trong nhân dân.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cơ sở trong việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Thôn, làng phụ nữ kiểu mẫu”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới”,…
Thứ ba, đối với vấn đề sử dụng, quản lý nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới từ nhân dân. Chính quyền cơ sở phải quản lý tốt các nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án vào xây dựng nông thôn mới hiệu quả, tránh hình thức, làm theo kiểu thành tích, biến thi đua xây dựng nông thôn mới thành “cuộc đua” xây dựng nông thôn mới, hình thức phong trào, chất lượng các tiêu chí không bền vững. Hệ thống chính trị cơ sở phải vận động, huy động được nguồn vốn từ dân, có tiền góp tiền, có sức góp sức, phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới. Việc huy động có thể tiến hành các phương thức phù hợp, thông qua quy ước, quy chế, thông qua hội họp thôn, làng, tổ dân phố. Mỗi địa phương cần lựa chọn cách thức phù hợp, nhất là chú ý cách thức vận động đối với người dân tộc thiểu số tại địa phương.
Thứ tư, đối với việc tổng kết, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng nông thôn mới. Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cần tổng kết thực tiễn, đúc rút những bài học kinh nghiệm để nhân rộng mô hình đối với những xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đối với những xã chưa đạt chuẩn, cần căn cứ vào tình hình thực tiễn để cụ thể hóa các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai, cần tránh tình trạng quan liêu, chạy theo thành tích nhưng cũng tránh việc cào bằng. Cần tích cực, chủ động huy động sức mạnh tổng hợp từ chính quyền và nhân dân để phát huy sức mạnh tổng thể. Ngoài ra, Đảng và chính quyền cần tăng cường sự kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm; xử lý nghiêm những tình trạng bao che, trục lợi trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới bao gồm 19 tiêu chí với 49 nội dung cụ thể, trong đó chú trọng hoàn thành tiêu chí số 18 về nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, bảo đảm hiệu lực, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ là yêu cầu của bộ tiêu chí mà đã trở thành yếu tố đóng vai trò quyết định tới tiến độ cũng như hiệu quả của công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.
-----------------------
(1) Báo cáo 162/BC-UBND, ngày 10-10-2017, của Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai về kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai (từ năm 2015 đến ngày 30-7-2017)
(2) Kế hoạch số 354/KH-UBND, ngày 25-01-2017, của UBND tỉnh Gia Lai về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả, bền vững chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017 - 2020
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn