Từ bãi biển tại thôn Phú Lân, xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý ra với bãi nước Lạch Dù, chúng tôi chỉ mất hơn nửa tiếng đồng hồ đi tàu ngư dân. Những căn chòi san sát tạo thành một “ấp” nổi lênh đênh giữa biển. Trung úy Huỳnh Thanh Phong, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Phú Quý, BĐBP Bình Thuận đưa chúng tôi ra bãi, chia sẻ: “Tại bãi Lạch Dù này có tới mấy trăm lồng bè nuôi cá mú. Người dân nơi đây giàu lên nhờ cá mú. Có nhiều hộ tuy ở trong căn chòi lênh đênh trên biển nhưng đời sống rất đầy đủ, có từ tivi, tủ lạnh, máy phát điện đến những đồ dùng hiện đại, đắt tiền không kém gì trong đất liền...”.
Chúng tôi tới bè anh Võ Sinh (42 tuổi), người được bà con nơi đây mệnh danh là “đại gia” nuôi cá mú. Qua trao đổi, chúng tôi được biết, anh Võ Sinh trú tại thôn Qúy Hải, xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý, có kinh nghiệm nuôi cá mú hơn 20 năm. Gia đình anh đang sở hữu 35 lồng bè nuôi cá mú, chủ yếu là cá mú đỏ và cá mú đen, hai giống cá có giá trị kinh tế cao.
Anh Võ Sinh nói: “Gia đình tôi chủ yếu nuôi cá mú đỏ, vì đây là loại cá cho nguồn lợi lớn hơn. Một vụ nuôi cá mú kéo dài khoảng 16 tháng. Hai năm trở lại đây, các nhà hàng hải sản và các lái thương tập trung thu mua nhiều nên cá mú đỏ được giá, có thời điểm giá cá mú đỏ lên tới 800 nghìn/kg, bình thường, giá giao động khoảng 650 đến 700 nghìn/kg. Cá mú đen bán giá chỉ khoảng 400 nghìn/kg”. Hai loại cá mú này có quá trình nuôi và chăm sóc khác nhau, cá mú đỏ phải chăm sóc kĩ hơn, nhất là khâu chọn cá giống, thức ăn và nguồn nước. Cá mú đỏ rất nhạy cảm với nguồn nước, nếu bị ô nhiễm cao, hay chủ nhà vứt thức ăn, rác thải gần lồng nuôi cá cũng sinh bệnh. Cá mú đỏ cũng hay mắc bệnh mù mắt, bị sinh vật bám vào vẩy, dẫn đến chết.
Cũng theo anh Võ Sinh thì cá mú đỏ rất “kĩ tính”, thức ăn nuôi chúng phải băm thật nhỏ, không được ôi thiu... Điều đáng chú ý nhất, cũng là điều vất vả nhất trong quá trình nuôi cá mú là phải tắm cho cá. Mỗi vụ, anh Sinh đều phải mua nước ngọt, đóng vào thùng phi rồi cho tàu chở ra ngoài bãi, từ đó đưa cá lên tắm nước ngọt. Không những vậy, việc di chuyển cá từ lồng này sang lồng khác, san sẻ cá ra để kích thích sự tăng trưởng của chúng cũng là cả một quá trình vất vả. Biển lặng quá cũng không tốt vì thiếu ô-xi. Nuôi một lứa cá mú đỏ mất 16 tháng mới cho thu hoạch (mú đen 13 đến 14 tháng). Một năm anh xuất gần 2 tấn cá mú, thu lời gần 800 triệu đồng.
Người “hàng xóm” sát bè anh Sinh tên là Trần Văn Thiện (46 tuổi), người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá mú nói: “Gia đình tôi có 25 lồng nuôi cá mú. Hơn 10 năm nay, tôi gắn bó tại bãi Lạch Dù này. Tất cả những người dân làm nghề nuôi cá lồng bè tại bãi này rất biết ơn cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Phú Quý. Những ngày đầu khi tôi mới nuôi cá, cán bộ đồn tận tình xuống bè hướng dẫn rồi cho chiến sĩ xuống buộc bè giúp. Các anh còn mua sách khuyến nông phổ biến về cách nuôi và phòng tránh dịch bệnh cho cá giúp bà con”.
Chúng tôi đi một vòng thăm các lồng bè cá mú nơi đây. Điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi chính là sự tự giác của bà con trong vấn đề giữ vệ sinh môi trường. Những lon bia, chai nhựa hay rác thải không phân hủy được đều được bà con gói ghém lại, cho lên thuyền chở vào bờ tiêu hủy. Nhờ nuôi cá mú mà đời sống người dân nơi đây ngày một giàu lên, có những người trở thành triệu phú, thậm chí tỉ phú.
Theo bienphong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn