Thanh long ruột đỏ Lập Thạch được cấp chứng nhận VietGap.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc nội dung cụ thể đã được Mặt trận các cấp triển khai thời gian qua như: Đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, huy động các nguồn lực đầu tư giống, vốn, đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phát triển trang trại, kinh tế đồi rừng... từ đó xuất hiện nhiều hộ có cuộc sống khá giả và vươn lên làm giàu.
Tiêu biểu phải kể tới các mô hình liên kết phát triển kinh tế ở các huyện như: Vĩnh Tường có 59 mô hình; Bình Xuyên có 5 mô hình, đặc biệt thôn Can Bi 4, xã Phú Xuân, thôn Văn Giáo xã Bá Hiến có mô hình đoàn kết phát triển kinh tế trang trại, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống và vốn. Huyện Tam Đảo có 15 mô hình, trong đó xã Hương Sơn có mô hình trang trại nuôi gà thịt, chim bồ câu, dê sạch... Huyện Sông Lô có mô hình thôn Tân Lập ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản.
Đáng chú ý, từ năm 2016 huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc đã xuất khẩu quả thanh long ruột đỏ sang Malaysia, hiện mô hình trồng thanh long ruột đỏ được nhân rộng tại huyện Lập Thạch, mở hướng phát triển sản xuất kinh doanh xuất khẩu, tạo thương hiệu thanh long ruột đỏ Lập Thạch trên thị trường quốc tế, góp phần tăng trưởng kinh tế của từng hộ gia đình. Lập Thạch hiện có hơn 70ha thanh long ruột đỏ đang được sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng quả thanh long đạt chuẩn xuất khẩu đang mở ra cơ hội làm giàu cho người dân ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.
Cùng với đó, mô hình trang trại nuôi gà thịt, chim bồ câu và nuôi dê ở xã Hương Sơn cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như anh Chu Văn Tuyên, trong trại nuôi của anh duy trì ổn định gần 100 con dê, gần 3.000 con gà thịt, hơn 300 đôi chim bồ câu cùng nhiều cây trồng lấy gỗ và cây ăn quả. Không chỉ nhạy bén trong việc làm ăn, anh Tuyên còn được biết đến là một cán bộ Đoàn có uy tín tại địa phương. Với vai trò là Bí thư Đoàn xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, anh Tuyên đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại, tạo việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên trong thôn. Anh cùng với Đoàn thanh niên xã phối hợp thành lập các tổ vay vốn tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện, tạo điều kiện cho hơn 150 lượt đoàn viên thanh niên vay vốn, với tổng dư nợ trên 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, anh cùng các chi đoàn tích cực tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về nghề nghiệp để giúp thanh niên có nhận thức đúng về lao động và việc làm, giúp nhau lập nghiệp, góp vốn liên kết sản xuất kinh doanh...
Với vai trò thành viên của Mặt trận, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc cũng thực hiện hiệu quả các phong trào như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”… Hội đã vận động 11.697 chị em giúp cho 1.781 trường hợp và 260 hộ gia đình bằng ngày công, gạo, tiền, vật liệu xây dựng, phân bón, con giống trên 2,6 tỷ đồng.
Cho đến thời điểm này đã có 51 nghìn lượt hộ phụ nữ được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 870 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh ký kết chương trình phối hợp về “Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là HTX, giai đoạn 2017-2021”. Tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi sạch như: “Tổ hợp sản xuất rau an toàn”, “Trồng rau su su sạch”…Tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Ông Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng: Nhiều mô hình phát triển kinh tế năng động đã xuất hiện trong quá trình triển khai các cuộc vận động, phong trào tại cơ sở, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Vai trò, vị thế của MTTQ trong hệ thông chính trị ngày càng được khẳng định rõ nét, đặc biệt niềm tin của nhân dân với Mặt trận ngày càng được củng cố và tăng cường.
Hạnh Nhân/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn