Theo ông Nguyễn Xuân Vinh - Giám đốc HTX Nghi Lâm, từ đầu năm 2015 HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX 2012 và hiện đang đảm nhiệm hiệu quả các khâu dịch vụ, hỗ trợ tích cực sản xuất nông nghiệp giúp cho nông dân địa phương, được cấp ủy, chính quyền và thành viên HTX tin tưởng.
HTX ở vùng thuần nông
Để duy trì vai trò tổ chức HTX ở xã thuần nông, HTX tổ chức hoạt động 5 khâu dịch vụ, gồm dịch vụ công thủy lợi từ nguồn ngân sách cấp bù thủy lợi phí, dịch vụ cung ứng vật tư giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), diệt chuột và phòng trừ sâu bệnh…
Hằng năm, HTX đã nhận sản xuất 120 ha lúa giống nguyên chủng cho công ty Giống Thái Bình và công ty
Giống cây trồng Trung ương, lượng thóc giống thu mua cho thành viên hàng năm đạt năm thấp nhất trên 100 tấn, cao nhất khoảng 400 tấn.
Từ 3 năm nay, HTX mở thêm dịch vụ tín dụng nội bộ. Tuy mới đưa vào hoạt động nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả, có 560 thành viên HTX tham gia cổ phần và đã huy động được tiền gửi tiết kiệm có thời điểm lên tới 1,7 tỷ đồng, tạo nguồn vốn cho thành viên vay phục vụ sản xuất thuận lợi.
Hiện nay, nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp đã được HTX ký kết với các DN lớn để bảo đảm có nguồn hàng chất lượng cung ứng cho các thành viên, như đạm Ure, phân bón NPK, thuốc BVTV, mở rộng diện tích sản xuất lúa giống cho công ty Giống Thái Bình và công ty Giống cây trồng Trung ương.
Nghi Lâm là xã vùng bán sơn địa ở cuối nguồn nước, 50% diện tích tưới tiêu không chủ động. Đảm nhiệm công tác thủy lợi trên địa bàn, hằng năm HTX đều khảo sát hệ thống kênh mương tưới tiêu toàn xã để kịp thời tu bổ, bồi đắp những đoạn kênh mương xuống cấp.
Cuối tháng 10 vừa qua, với vai trò nòng cốt, HTX triển khai giai đoạn 2 làm giao thông thủy lợi ở xã Nghi Lâm, tiến hành nạo vét gần 96.000m kênh mương nội đồng.
Giám đốc HTX Nghi Lâm kiến nghị chính sách hỗ trợ HTX
Cái khó HTX sau chuyển đổi
Luật HTX 2012 ra đời đã tạo cơ chế và hành lang pháp lý phù hợp để HTX hoạt động năng động hơn. Nhận thức được đây là cơ hội để HTX vươn tới tự chủ, đổi mới, hội nhập, Ban lãnh đạo cùng với các thành viên HTX đã đồng tâm hiệp sức chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX 2012.
Giám đốc HTX - ông Nguyễn Xuân Vinh, cho biết HTX là điển hình của tỉnh Nghệ An và của huyện Nghi Lộc.
Nhưng sau chuyển đổi theo Luật HTX 2012, vị thế và tiếng nói HTX còn yếu. Trong dịch vụ, HTX vấp cái khó về giá vật tư phân bón. Bởi HTX nhập giá đầu vào như mặt bằng chung, khi bán cho thành viên nếu nhích giá hơn thì không ai mua, nếu hạ thấp giá thì lại lỗ.
Bên cạnh đó, cái khó cho HTX từ mấy năm gần đây là bất cập trong việc cấp bù thủy lợi phí. Nếu như từ năm 2012 trở về trước, nguồn cấp bù thủy lợi phí kịp thời, tạo điều kiện cho HTX ngay từ đầu vụ để tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi. Nhưng sau đó, việc cấp bù thiếu hụt (như năm 2013 chỉ được 2/3 số kinh phí), khiến HTX thiếu vốn để tu bổ kênh mương và trả tiền điện...
“HTX đề nghị các cấp ngành cải thiện thực trạng chính sách hỗ trợ HTX kiểu “đầu voi đuôi chuột” và hỗ trợ không đồng bộ, dẫn đến không phát huy hiệu quả. Ví như chủ trương hỗ trợ HTX mua máy cày, máy gặt đập cơ giới hóa đồng bộ dịch vụ sản xuất. Nhưng kinh phí chỉ được hỗ trợ năm đầu, còn lại để sang năm thứ 2 và luôn nhận thông báo không có nguồn. Gần đây nhất, HĐND tỉnh cũng mới ban hành chính sách hỗ trợ HTX.
Nhưng đến giờ các HTX vẫn phải chờ đợi vì còn quá nhiều thủ tục, hướng dẫn…”, ông Vinh kiến nghị
Lưu Đoàn
http://thoibaokinhdoanh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn