HTX nông nghiệp Phú An được thành lập 2001. Giai đoạn đầu mới thành lập, HTX có 64 thành viên, đến nay đã thu hút được 324 thành viên, tổng tài sản cố định 4 tỷ 700 triệu đồng, với diện tích 1.608 ha được đê bao khép kín.
Thay đổi phương thức xử lý
Tại An Giang và các tỉnh vùng ĐBSCL, việc người dân bỏ lại rơm trên cánh đồng và đốt không hiếm. Trong khi đó, nhu cầu rơm làm nguyên liệu trồng nấm, ủ gốc cây trồng, làm vật liệu chèn lót vận chuyển củ quả, làm phân bón... lại rất lớn.
Sau khi tìm hiểu, HTX đã quyết định mở rộng dịch vụ sang lĩnh vực cuộn rơm bằng máy, vừa dọn sạch đồng, hạn chế ô nhiễm môi trường lại có thêm nguồn thu.
Giám đốc HTX - ông Nguyễn Văn Mĩnh Em, cho biết trước đây, sau khi thu hoạch lúa, mọi người thường ở nhà nghỉ ngơi, nhưng từ khi có máy cuốn rơm, mọi người vẫn có việc làm sau thu hoạch. Tranh thủ làm lúc trời nắng, rơm khô sẽ bán được giá hơn.
Sau khi nông dân thu hoạch lúa, HTX đến tận ruộng đặt cọc mua rơm. Bình quân mỗi ruộng 200.000 - 500.000 đồng, tùy số lượng rơm nhiều hay ít. Mỗi ngày, HTX cuốn được gần 400 cuộn, mỗi cuộn khoảng 13 - 14kg và được mua với giá 15.000 đồng/cuộn. Nếu HTX chở về tận nơi theo yêu cầu của người mua, giá là 30.000 đồng/cuộn.
Không chỉ mang lại lợi ích qua việc giảm chi phí thu gom rơm, giảm khí thải nhà kính do đốt rơm tràn lan trên cánh đồng, việc làm của HTX còn tạo điều kiện cho việc tăng thu nhập từ sử dụng rơm cho những mục đích khác nhau... qua đó, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Việc thay đổi phương thức xử lý rơm rạ của HTX giúp giảm tác hại đến môi trường và tăng thu nhập cho nông dân. “Đây cũng là cơ sở tạo ra nguồn sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, vừa đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, vừa góp phần bảo vệ sức khỏe cả người sản xuất và người tiêu dùng, quan trọng hơn hết là BVMT sống trong lành”, Giám đốc HTX cho biết.
Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị lúa gạo, đẩy mạnh sản xuất gạo an toàn theo hướng sinh học, bảo đảm an toàn thực phẩm để cung cấp cho các DN.
Ứng dụng máy cuốn rơm để thu gom rơm tại HTX Phú An
Sản xuất theo chuỗi
Công tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được HTX thực hiện quy hoạch Cánh đồng lớn. HTX đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KH-KT cho các hộ dân, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao năng suất cây trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng doanh thu cho HTX, cho thành viên và người dân.
Ngoài ra, HTX còn thực hiện các dịch vụ: Tưới - tiêu, sử dụng máy Kobe, tín dụng nội bộ, cung ứng vật tư nông nghiệp - thuốc bảo vệ thực vật, nhân giống để bảo đảm nhu cầu sản xuất khép kín.
Trong sản xuất, khi bị rầy, sâu bệnh tấn công… HTX hạn chế dùng thuốc hóa học, thay vào đó là các loại chế phẩm sinh học phù hợp giúp tăng thêm sức đề kháng, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ đất, nước và sức khỏe người dân.
Đến nay, HTX đã ký hợp đồng liên kết với 2 công ty kinh doanh lương thực. Khi liên kết với DN, nếu trong canh tác, người dân không thực hiện đúng một công đoạn nào đó thì sản phẩm của họ không được bao tiêu và phải bồi thường thiệt hại cho phía đầu tư. Ngược lại, người nông dân tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn canh tác mà vấp phải thất bại thì DN sẽ bồi thường thiệt hại cho người dân.
Sản xuất theo chuỗi, chú trọng BVMT không chỉ giúp HTX tăng lợi nhuận, giải quyết việc làm cho người dân mà còn khẳng định được hiệu quả sau chuyển đổi theo Luật HTX 2012.
Như Yến
http://thoibaokinhdoanh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn