Năm 2017, HTX Phú Lương có 64 thành viên, với diện tích canh tác rau an toàn trên 10ha. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường 400 – 500 tấn rau VietGAP, 100% được bao tiêu và được đánh giá cao tại các hệ thống siêu thị hàng đầu như Metro, Big C…
Bỏ lúa trồng rau
Cách biển chưa đầy 1,6km, phần lớn vùng chuyên canh của HTX Phú Lương là các cánh đồng cát pha. Trước năm 2003, người dân chủ yếu canh tác lúa gạo, với chất lượng thổ nhưỡng kém, năng suất lúa chỉ xấp xỉ 2,5 tạ/sào, trị giá 1,5 triệu đồng.
Sau nhiều năm trăn trở, năm 2003, thành công lớn ngay vụ đầu tiên trồng rau sạch là động lực thúc đẩy người nông dân xã Quỳnh Lương từ bỏ hoàn toàn cây lúa để chuyển sang canh tác rau an toàn trên uy mô lớn.
Theo HTX Phú Lương, sau khi thắng lớn vụ rau năm 2003, xã Quỳnh Lương đã mời cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An thẩm định lần cuối, đồng thời, thuê chuyên gia thiết kế website để quảng bá rau sạch Quỳnh Lưu.
Ông Hồ Lâm Thông – Chủ nhiệm HTX Phú Lương, chia sẻ: “Bỏ lúa trồng rau là bước ngoặt thay đổi cuộc sống của người dân Quỳnh Lương. Năm 2003, ngô và rau là hai loại cây trồng được người dân lựa chọn. Song, chỉ sau năm đầu tiên chuyển đổi, hiệu quả từ mô hình chuyên canh rau đã thuyết phục hoàn toàn người dân”.
“Đơn cử như với hành hoa, theo tính toán, trồng hành cho năng suất 0,9 – 1,2 tấn/sào, với giá bình quân 6.000 – 8.000 đồng/kg, mỗi sào hành sẽ đem lại thu nhập khoảng 6 – 8 triệu đồng. Hành canh tác 4 vụ/năm, tổng thu nhập đạt 24 – 32 triệu đồng/sào. Thu nhập từ hành vượt trội so với trồng lúa”, ông Thông tiếp tục.
Theo các thành viên HTX Phú Lương, hành hoa cho thu nhập cao, nhưng để có những sản phẩm chất lượng không đơn giản. Hành được canh tác theo một quy trình khép kín từ khâu chọn giống, chăm sóc, đến đóng gói và vận chuyển, tiêu thụ.
Trong quá trình tổ chức sản xuất, HTX Phú Lương được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và thủy sản Nghệ An cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ về khoa học – kỹ thuật, tổ chức tập huấn cho các hộ nông dân, hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký từ khâu làm đất, giống, chăm sóc, phân bón, thuốc BVTV…
Với phương thức canh tác hiện đại, sản lượng rau VietGAP của HTX Phú Lương mỗi năm đạt 400 – 500 tấn, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và được bao tiêu 100%.
Thành công lớn ngay vụ đầu tiên trồng rau sạch là động lực thúc đẩy người nông dân xã Quỳnh Lương từ bỏ hoàn toàn cây lúa để chuyển sang canh tác rau an toàn trên uy mô lớn.
Nông dân thành triệu phú
Rau sạch Phú Lương hiện có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm sạch ở Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Tp.HCM…
Mạnh dạn từ bỏ cây lúa để chuyển sang chuyên canh rau an toàn đã thay đổi đời sống kinh tế của các thành viên HTX Phú Lương. Rau sạch VietGAP với sản phẩm chủ lực là hành hoa đang đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho bà con nông dân.
Anh Hoàng Văn Long – thành viên HTX, chia sẻ: “Với 6 sào hành, mỗi năm nhà tôi thu về 18 – 20 tấn, mang lại doanh thu 100 – 120 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi được 70 – 80 triệu. Năm nay, nhà tôi mở rộng diện tích lên 1ha, dự kiến thu lãi gần 200 triệu”.
Sở hữu vựa rau màu hơn 1ha, ông Tùng – thành viên HTX, hồ hởi: “Nhà tôi có 4 nhân lực, canh tác 8 sào hành hoa, 3 sào mướp đắng và cải ngọt, với việc tuân thủ đúng kỹ thuật canh tác, quay vòng liên tục 3 – 4 vụ năm, vựa rau cho thu nhập không dưới 100 triệu đồng/năm”.
Theo thành viên HTX Phú Lương, với phương thức canh tác mới, không chỉ chất lượng, sản lượng mà thời gian sản xuất cũng được rút ngắn. Cụ thể, mỗi vụ hành hoa trồng trong vòng 40-45 ngày là thu hoạch, cà chua (giống lai) 90-130 ngày. Các loại rau “thập tự” (rau các loại gồm cải ngọt, súp lơ, cải thảo…) 20-45 ngày…
Với những kết quả đạt được, ngày 14/1/2016, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Nghệ An phối hợp với xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu tổ chức trao chứng nhận VietGap trong sản xuất rau cho HTX Phú Lương.
Dù đạt được nhiều thành tựu nhưng HTX Phú Lương cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.
Vì vậy, HTX cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý để đẩy mạnh việc kết nối, ký kết hợp đồng cung ứng, tiêu thụ nông sản, đồng thời, tháo gỡ khi gặp vướng mắc.
Hiến Nguyễn
http://thoibaokinhdoanh.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn