Có vốn, anh trích một phần để trả nợ ngân hàng, số tiền còn lại anh tiếp tục đầu tư mua thêm trâu giống. Năm 2015, anh trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư mở rộng qui mô chăn nuôi. Từ năm 2017 đến nay, gia trại của gia đình anh duy trì từ 25 - 30 con trâu nuôi vỗ béo. Để chủ động về giống, anh nuôi duy trì 4 con trâu cái sinh sản.
Anh Mạnh cho biết: Trong quá trình chăn nuôi, vấn đề vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng dịch bệnh đóng vai trò quan trọng, đồng thời cần cho ăn đầy đủ thức ăn thô xanh và thức ăn tinh như bột ngô, cám gạo… Đối với loại trâu gầy, yếu, muốn nuôi vỗ béo bà con cần chọn những con có tuổi dưới 3 năm, không nên chọn mua các loại trâu già trên 4 năm tuổi vì nuôi các loại trâu này sẽ không có lãi. Ngoài ra, bà con nên chọn nuôi trâu đực, không nên nuôi trâu cái vỗ béo vì hiệu quả kinh tế thấp.
Ngoài chăn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo, anh còn cho trâu ra các vườn đồi của gia đình tự kiếm ăn từ 3 - 4 lần/tuần. Đây là phương pháp chăn nuôi bán chăn thả để trâu được vận động và thay đổi môi trường sống, tăng sức đề kháng và giảm thiểu bệnh tật. Nhờ chăn nuôi trâu vỗ béo theo phương pháp khoa học nên đàn trâu của anh thường bán được giá cao, đạt trên 50 triệu đồng/con. Bình quân anh xuất bán được từ 7 – 8 con trâu/năm với tổng thu nhập khoảng 350 triệu đồng, trừ mọi chi phí anh lãi trên 250 triệu đồng/năm.
Với những thành tích đó, gia đình anh Đặng Văn Mạnh được Hội ND và UBND huyện biểu dương và tặng nhiều giấy khen từ năm 2017 đến nay. Mô hình là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.