Điểm sáng
Về thôn Vĩnh Thượng, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, hỏi đến nghề nuôi ba ba thì ai cũng biết đến ông Trần Công Bằng. Là một người lính, sau khi xuất ngũ, ông tìm về quê hương để làm kinh tế. Trong một lần tiếp cận thông tin về nuôi ba ba, ông Bằng đã phát hiện ra giá trị kinh tế rất cao từ việc nuôi loài đặc sản này. Theo ông, nhu cầu ba ba thương phẩm ngoài thị trường rất lớn, giá cao. Nghĩ là làm, ông mạnh dạn đầu tư nuôi ba ba. Ông vay tiền, thuê nhân công nạo vét ao nhà rộng 200 m2, đầu tư giống và thức ăn và trở thành một trong những người tiên phong nuôi ba ba ở thôn Vĩnh Thượng.
Vừa làm vừa học, ông Bằng đi rất nhiều nơi tham quan các mô hình nuôi ba ba và tự tích lũy những kinh nghiệm cho mình. Cùng những kiến thức trong sách vở, ông Bằng tự tay thực hiện hết các bước trong quy trình nuôi: xây hồ, xây bể nuôi, chọn giống, chế biến thức ăn, cho ăn, giữ nước hồ không nhiễm bẩn cho đến trị bệnh, cách phối giống, “đỡ đẻ” cho ba ba cũng một tay ông làm. Gắn bó với nghề nuôi ba ba được hơn 10 năm, đến nay, mô hình của ông Trần Công Bằng đã trở nên nổi tiếng ở Phú Xuyên. Nhiều người dân địa phương cũng đã học hỏi ông Bằng nuôi ba ba, và đã ít nhiều thành công, tạo thành một phong trào làm kinh tế ở vùng nông thôn Khai Thái.
Ông Bằng cho biết: ba ba là loài vật máu lạnh, biến nhiệt nên nhiệt độ cơ thể không ổn định, mà thay đổi theo thời tiết. Vì vậy, mặc dù là loài ăn tạp, nhưng ba ba chỉ ăn nhiều vào những ngày trời nóng còn ngày trời mát lại ăn rất ít. Để có nguồn thức ăn đảm bảo, hàng ngày ông Bằng đặt hàng tạ cá mè tươi làm thức ăn cho ba ba. Theo ông Bằng, thức ăn chính cho ba ba là cá mè tươi, song cũng tùy tuổi ba ba mà có cách chế biến phù hợp. Đối với ba ba giống, ông Bằng cầu kỳ làm sạch, lọc thịt, bỏ xương, xay nhuyễn trộn với cám, bột ngô, đậu tương, các khoáng chất khác, viên nhỏ rồi mới cho ba ba ăn. Còn đối với ba ba ương, ba ba thịt thì chỉ cần băm nhỏ cá mè cho vừa miệng ba ba… Ngoài ra, điều kiện môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến sức tăng trưởng của ba ba. Ba ba khi nuôi được 1,5 năm tuổi thì san thưa, giảm mật độ nuôi. Đồng thời cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường và thay nước để phòng một số bệnh thường gặp như nấm sẽ ảnh hưởng đến năng suất nuôi.
Hiện ông Bằng nuôi thả ba ba gai, ba ba trơn trong 13 ao, bể với tổng diện tích 2.700 m2, được chia thành các bể sản xuất giống, ương đến nuôi thương phẩm. Diện tích trung bình mỗi ao, bể khoảng 300 m2.
Nhân rộng mô hình
Từ một vài hộ, đến nay toàn xã Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) có khoảng 50 hộ nuôi ba ba, trong đó hơn 30 hộ nuôi quy mô lớn. Nhờ gắn bó với nghề, nắm vững kỹ thuật nuôi ba ba mà nhiều hộ dân nơi đây đã có thu nhập cao. Tuy nhiên, để phát triển nghề nuôi này, ngoài kinh nghiệm, kỹ thuật còn đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Để khuyến khích người dân phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho các hộ nuôi ba ba vay các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân… để họ có vốn đầu tư, quay vòng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, những gương sáng làm kinh tế giỏi như ông Trần Công Bằng không ngần ngại giấu bí quyết mà sẵn sàng chia sẻ để giúp bà con chòm xóm có nghề cải thiện cuộc sống.
>> Ông Trần Công Bằng cho biết, ba ba nuôi 3 - 4 năm mới đạt trọng lượng xuất bán 4 - 5 kg/con, giá trung bình 4 - 5 triệu đồng/ba ba gai và 2 - 3 triệu/ba ba trơn. Năm 2015, ông xuất bán 700 con ba ba thịt, tổng sản lượng 4 tấn, thu về hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 1 tỷ đồng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn