Phân loại trứng tại Nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân, Hà Nội.
Những mô hình điểm
Thời gian gần đây, tại thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) xuất hiện mô hình ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết vào sản xuất rau an toàn. Khu sản xuất rau có Trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G với hệ thống quan trắc và camera truyền hình ảnh về khu nhà điều hành, cho phép cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất.
Ở một số vùng sản xuất rau an toàn khác như Tráng Việt (Mê Linh), Tiền Yên (Hoài Đức)…, cũng đang ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khu trồng hoa CNC của Công ty Toàn Cầu ở thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) rộng khoảng 3,4ha nhưng vốn đầu tư lên tới hơn 200 tỷ đồng. Ngoài phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, khu nhà kính sản xuất hoa rộng 2.000m2 đang trồng hàng ngàn cây lan xanh tốt, bán với giá trung bình 250.000 đồng/cây.
Ngoài hoa lan, hiện nay, một số dự án trồng rau, lúa, nấm ăn ứng dụng CNC cũng đang được triển khai tại một số xã của huyện Đan Phượng như Tân Lập, Tân Hội, Song Phượng…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, mới đây, ngành nông nghiệp Hà Nội khánh thành Trung tâm sản xuất tinh bò chất lượng cao tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Dự án có quy mô 40 - 50 bò đực giống sản xuất tinh với dây chuyền máy móc, thiết bị sản xuất tinh bò đông lạnh cọng rạ tiên tiến, hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Công suất dự kiến 300.000 - 400.000 liều tinh/năm, tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Sự ra đời của trung tâm này được kỳ vọng là mở ra hướng phát triển mới cho ngành chăn nuôi bò của Thủ đô.
Nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân Hà Nội được xây dựng tại thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) từ tháng 5/2016 với quy mô 2ha, tổng vốn hơn 100 tỷ đồng, công suất xử lý 65.000 trứng/giờ. Đáng chú ý, công nghệ xử lý trứng được nhập khẩu từ Hà Lan với thiết bị tự động hóa 100%.
Nhiều điều kiện thuận lợi
Theo GS.TS. Lê Huy Hàm, Hà Nội hội tụ các điều kiện kinh tế - xã hội đầy đủ nhất cả nước để phát triển NNCNC. Bởi lẽ, Hà Nội tập trung các viện nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp hàng đầu. Ngoài ra, số lượng các doanh nghiệp, nhất là những “ông lớn” có tiềm lực đầu tư, rồi ngân hàng và các tổ chức quốc tế cũng tập trung khá đông ở thành phố. Theo ông Hàm, NNCNC là cơ hội rất lớn cho phát triển nông nghiệp Thủ đô do thị trường tiêu thụ và du lịch phát triển rất nhanh.
“Đối với Hà Nội nên phát triển NNCNC bắt đầu với 2 phương thức: xây dựng công viên NNCNC và quy hoạch, xây dựng các khu NNCNC ở các địa bàn có thế mạnh đặc thù”, ông Hàm gợi ý.
Nhiều chuyên gia đánh giá, tiềm năng đầu tư ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội rất rộng mở. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp tương đối lớn, trên 150.000ha. Thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được khoảng 79.000ha, tạo điều kiện cho ứng dụng CNC, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hơn nữa, sau dồn điền đổi thửa, trên địa bàn đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, có hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thủy lợi khá đồng bộ.
Đặc biệt, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào phát triển NNCNC. Cụ thể, ngoài các chính sách của Trung ương, Hà Nội còn ban hành một loạt các chính sách riêng, tiêu biểu như Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND ngày 4/12/2013 của HĐND thành phố về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung TP.Hà Nội giai đoạn 2014 - 2020, Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐND của HĐND thành phố về một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020… Nội dung chủ yếu của các chính sách này là hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, hỗ trợ đầu tư giống, xây dựng mô hình trình diễn…
Bên cạnh đó, năm 2017, Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” lựa chọn là năm chuyên đề mở rộng quy mô phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao.
Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội chủ trì xây dựng 1 điểm nông nghiệp ứng dụng CNC cấp thành phố, đồng thời mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 điểm và thành phố sẽ có cơ chế hỗ trợ ưu đãi.
Tại một số hội nghị giao ban của Ban chỉ đạo Chương trình số 02, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đều yêu cầu, các địa phương cần khắc phục hạn chế trong phát triển NNCNC, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm nay. Các sở, ban, ngành sớm hướng dẫn cụ thể hóa các chính sách, có chính sách ưu đãi đặc thù, nhất là trong việc tích tụ đất đai để thu hút doanh nghiệp, hộ dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành xây dựng một điểm ứng dụng công nghệ cao của thành phố. Các địa phương chủ động tìm hiểu, đề xuất phương án đầu tư xây dựng mô hình phù hợp theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để tạo điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp, thuyết phục doanh nghiệp, người dân tham gia.
Hy vọng, với chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, Hà Nội sẽ có hướng đi riêng trong phát triển NNCNC.
Theo P.V/Kinh tế nông thôn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn