Nhiều vườn mẫu cho thu nhập 300 triệu đồng/năm
Ông Trần Huy Oánh - Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Từ năm 2013, sau khi Hà Tĩnh công nhận 7 xã đạt chuẩn NTM, tuy đã đánh giá khách quan, chính xác nhưng nhìn diện mạo nông thôn tại các cộng đồng dân cư vẫn chưa thực sự khởi sắc, chưa có chiều sâu rõ nét, nhất là ở các thôn, xóm nhìn chung còn nhiều bất cập.
Ông Đinh Phúc Tiến chăm sóc vườn cam cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm của gia đình ở thôn Bắc Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: Trần Quang
Vinh danh mô hình Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu Để phong trào xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu ngày càng phát triển hơn, trong tháng 6.2017 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi "Khu dân cư NTM kiểu mẫu, Vườn mẫu Hà Tĩnh 2017". Thể lệ cuộc thi với cơ cấu giải thương lên đến trên 10 tỷ đồng, trong đó có 76 giải thưởng về Khu dân cư NTM kiểu mẫu, với giải đặc biệt lên đến 300 triệu đồng/khu; 250 triệu đồng/vườn mẫu. Đến nay, cơ bản cấp huyện, xã đã ban hành kế hoạch, thể lệ cuộc thi, thành lập Ban tổ chức cuộc thi. |
Từ thực trạng đó, Ban chỉ đạo tỉnh đã chủ trương xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, trọng tâm là kinh tế cảnh quan, môi trường; ban đầu thí điểm ở 3 thôn đại diện cho 3 vùng sinh thái, với cơ chế hỗ trợ 300 triệu đồng/thôn để tổ chức thực hiện.
Cùng với đó, năm 2014, Ban chỉ đạo NTM tỉnh chỉ đạo tiếp tục xây dựng và nhân nhanh mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu trên diện rộng, đồng thời xây dựng mô hình mẫu về phát triển kinh tế vườn, xem đây là điểm nhấn của khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Bước đầu khảo sát tại các khu vườn kiểu mẫu, thu nhập bình quân, mỗi vườn đạt 51,4 triệu đồng, nhiều vườn đạt trên 300 triệu đồng/năm. Hàng nghìn khu vườn hoang tạp, nhếch nhác đã “lột xác”, thay đổi tổng thể từ cảnh quan đến hiệu quả kinh tế.
Cũng theo ông Oánh, đến nay việc xây dựng vườn kiểu mẫu đã trở thành một phong trào lan tỏa mạnh mẽ. Có những địa phương 100% hộ dân đều hướng đến xây dựng vườn kiểu mẫu, như thôn Tân An (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên), thôn Yên Mỹ (Cẩm Yên, Cẩm Xuyên), thôn Hồng Lĩnh (Vượng Lộc, Can Lộc)…
Các địa phương ngoài ứng dụng công nghệ vi sinh đã ứng dụng công nghệ hữu cơ trong xây dựng vườn kiểu mẫu hướng tới một nền nông nghiệp sạch, hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, điển hình như xã Tượng Sơn (Thạch Hà), xã Hương Trà (Hương Khê).
Theo quy định chung của Hà Tĩnh, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu phải đạt được 20 tiêu chí, trong đó có một số tiêu chí có bổ sung thêm nội dung của 19 tiêu chí đạt chuẩn NTM như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí tổ chức sản xuất và tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu và vườn mẫu.
Ông Dương Kim Huệ - Bí thư Đảng ủy xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà cho hay: Trên địa bàn xã có 6 hợp tác xã, 21 tổ hợp tác và 4 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Bên cạnh tập trung phát triển sản xuất quy mô lớn theo hướng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, chính quyền xã còn tạo điều kiện cho người dân hình thành và phát triển nhiều mô hình kinh tế vườn hộ.
“Đây chính là điểm mấu chốt nhất giúp cho các sản phẩm tại các vườn mẫu có thể tiêu thụ ổn định, cũng như việc đưa mô hình đi đúng hướng và bền vững” - ông Huệ nói.
Năm 2017, xã Tượng Sơn phấn đấu tập trung huy động nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; xây dựng thêm 2 khu dân cư NTM kiểu mẫu, xây dựng 15 vườn mẫu và nâng cấp các khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Hà Thanh, Sâm Lộc trở thành khu dân cư NTM kiểu mẫu tiêu biểu.
Hướng đến mô hình du lịch sinh thái NTM
TS Nguyễn Xuân Tình - Chủ tịch Hội Làm vườn và trang trại tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu là một hướng đi đúng không chỉ giúp cho chương trình NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu mà còn giúp tăng thu nhập cho người dân mà vẫn giữ được cảnh quan, môi trường nông thôn tự nhiên, sạch đẹp.
Trước đây, vườn hộ ở Tượng Sơn (Thạch Hà) chủ yếu là cây tre, cọ, ít có giá trị kinh tế. Từ khi phát động phong trào xây dựng vườn mẫu, người dân tích cực cải tạo vườn tạp, đắp đất vườn, trồng rau, củ, cây ăn quả... và có thu nhập khá cao. Ảnh: Trà Giang
Tuy nhiên theo ông Tình, về lâu dài việc xây dựng vườn mẫu cần có hướng đi bền vững hơn đó là hướng đến mô hình sản xuất theo liên kết chuỗi, trong đó nông dân phải liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.
Theo ông Oánh, Hà Tĩnh đang phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh đạt bình quân 16,5 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 15 tiêu chí, ít nhất có 60% số xã đạt chuẩn NTM, ít nhất 20% trong số xã NTM đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, 2-3 huyện đạt chuẩn NTM.
Để mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu của Hà Tĩnh phát triển và lan rộng hơn, ông Oánh cho rằng: “Hiện nay, cần đưa nội dung vườn kiểu mẫu là một nội dung cùng với khu dân cư NTM kiểu mẫu vào bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, yêu cầu bắt buộc để đánh giá. Trung ương cần xem xét hỗ trợ cùng với tỉnh về chính sách ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, khen thưởng, động viên các vườn kiểu mẫu tiêu biểu. Đối với những sản phẩm an toàn, sạch, phải có hướng dẫn cụ thể để xây dựng thương hiệu, nhãn mác, cấp chứng nhận “sản phẩm sạch”; liên kết tiêu thụ các sản phẩm”.
Cùng với việc xây dựng NTM, Hà Tĩnh đang đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu nông sản dựa trên tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương. Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh đã kế hoạch xây dựng và thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tại Hà Tĩnh với một số sản phẩm: Cam chanh, cam bù Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch, mật ong, các sản phẩm từ nhung hươu và một số sản phẩm từ hải sản, đồ mộc Thái Yên… Ngoài ra, OCOP Hà Tĩnh cũng xây dựng 5 tour, tuyến du lịch trải nghiệm NTM tại các địa phương”.
Theo Trần Quang/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn