Nhiều vùng nuôi cá trong ruộng chưa có hệ thống cấp, thoát nước phù hợp với phương thức xen canh lúa và cá nước ngọt. Nguồn nước đưa vào ruộng nuôi cá tại nhiều nơi không đảm bảo yêu cầu do bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng cho cây trồng, chất thải sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, gia cầm ảnh hưởng đến chất lượng đàn cá. Bên cạnh đó, một bộ phận người nuôi chưa chú trọng kỹ thuật cải tạo ruộng nuôi cá, tình trạng sử dụng hóa chất một cách bừa bãi, không theo hướng dẫn của nhà sản xuất còn phổ biến… Để giúp người dân áp dụng phương thức canh tác này một cách hiệu quả, Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh (Sở NN và PTNT) đã xây dựng một số mô hình nuôi cá luồn lúa đúng quy trình kỹ thuật ở các xã: Yên Quang (Ý Yên); Tam Thanh (Vụ Bản)… để người dân nắm vững được các kỹ thuật nuôi.
Người dân xã Yên Hồng (Ý Yên) gia cố lại bờ ruộng nuôi cá, trồng lúa. |
Đối với mô hình nuôi cá - lúa đổi mới này cũng đòi hỏi mỗi ruộng phải có hệ thống cấp, thoát nước tách bạch. Các đối tượng được lựa chọn nuôi phải có khả năng phát triển nhanh, cho giá trị kinh tế cao, ít bị dịch bệnh như cá chép, cá trắm; chọn những giống lúa cứng thân, tán hẹp, có khả năng kháng sâu bệnh tốt để hạn chế phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như lúa tám, tạp giao… Cá được đưa lên ruộng khi cây lúa đã bén rễ khoảng 20-25 ngày. Gia đình bà Trịnh Thị Tuyết, thôn 6, xã Yên Quang (Ý Yên) là một trong những hộ được chọn thực hiện mô hình cá luồn lúa đổi mới. Bà Tuyết nuôi cá luồn lúa đã hơn 20 năm. Tuy nhiên, bà cho biết chỉ mới 5-7 năm gần đây bà mới biết và áp dụng các kỹ thuật nuôi, còn trước kia nuôi chưa thực sự đạt hiệu quả. Trước kia, ruộng cá - lúa của bà Tuyết không được chú trọng đầu tư, cải tạo, bờ bao không kiên cố. Chính vì vậy nên nguồn nước dễ bị ô nhiễm khiến cá hay bị dịch bệnh và sản lượng thấp. Khi được phổ biến, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá - lúa, đặc biệt là khi thực hiện mô hình do Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh tổ chức, bà đã đầu tư đào sâu ruộng và đắp bờ cao hơn, kiên cố hơn để giữ nước, có mương bao quanh ruộng và ao chứa để làm nơi chứa cá khi chuyển vụ. Không những thế, bà Tuyết còn được Trung tâm hỗ trợ một phần chế phẩm vi sinh để cải tạo môi trường nước và hướng dẫn cụ thể kỹ thuật nuôi. Theo các kỹ sư thủy sản, sử dụng men vi sinh làm ổn định chất lượng nước và nền đáy ruộng nuôi cá; giúp nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của cá; giảm thiểu ô nhiễm trong ruộng nuôi và môi trường xung quanh (do nuôi thủy sản gây ra); giúp hạn chế vi khuẩn có hại, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn cho cá. Tuy nhiên, người nuôi cần lưu ý sử dụng liều lượng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Do làm đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên đến thời điểm hiện tại chất lượng nước ruộng nuôi của hộ bà Tuyết sạch hơn hẳn so với những năm trước. Nguồn nước sạch giúp đàn cá phát triển khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Sau cơn bão số 10 vừa qua lượng mưa lớn ảnh hưởng đến môi trường nước trong ruộng nên bà Tuyết đang rắc thêm vôi bột xử lý ổn định nguồn nước để đàn cá sinh trưởng tốt. Bà Tuyết cho biết: “Từ ngày thực hiện mô hình, được dự các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá ruộng do Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh tổ chức, các cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của mô hình, chú trọng hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm vi sinh nên tôi đã nắm được rõ ràng và cụ thể hơn những biện pháp kỹ thuật. Trung tâm còn hỗ trợ một phần chế phẩm vi sinh AT-YTB nên tôi rất phấn khởi tham gia mô hình này”. Các phụ phẩm của lúa như rơm, rạ, những hạt thóc rụng và cả các loài địch hại của cây lúa như sâu, rầy… cũng được tận dụng làm thức ăn giúp cá phát triển tốt, tiết kiệm chi phí mua thức ăn chế biến. Bên cạnh đó, phân cá làm tăng nguồn dinh dưỡng cho cây lúa, cá bơi lội sục bùn làm đất tơi xốp, thoáng khí giúp rễ lúa nhanh phát triển, hấp thu dinh dưỡng tốt. Ngoài ra, thóc thu hoạch về bà Tuyết bán một phần còn để lại ngâm lên mầm lúa làm thức ăn cho cá. Trong mầm lúa có nhiều vitamin do đó mầm làm thức ăn bổ sung vitamin cho cá. Mô hình hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp trong quá trình nuôi mà chỉ cho cá ăn cỏ, ăn thóc… Với phương thức này người dân tiết kiệm được phần nào chi phí, chất lượng thịt cá ngon hơn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, góp phần tăng lợi nhuận, hiệu quả vụ nuôi. Hiện bà Tuyết có 2ha nuôi cá - lúa; bà đã thu hoạch hết lúa với năng suất đạt hơn 1 tạ/sào. Dự kiến từ nay đến cuối năm, sản lượng cá thu được ước khoảng 3 tấn, tăng nhiều so với những năm trước. Cũng như hộ bà Tuyết, hộ ông Nguyễn Văn Tuyển, xã Tam Thanh (Vụ Bản) cũng có diện tích hơn 2ha nuôi cá - lúa. Ông cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên tôi thực hiện mô hình này nhưng tôi đã nhận thấy những hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là đối với cá. Các loại cá phát triển khỏe mạnh hơn rất nhiều, không bị chết như những năm trước. Mặc dù thời tiết biến đổi, nắng mưa thất thường nhưng với sự hướng dẫn cặn kẽ của các cán bộ thủy sản, chúng tôi cũng có thêm động lực, hăng hái sản xuất”.
Năm 2017, Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh triển khai thí điểm 6 mô hình cá - lúa đổi mới ở những xã thuộc vùng trũng chỉ cấy lúa được một vụ của các huyện Ý Yên, Vụ Bản. Với sự quan tâm của các cơ quan chức năng, những mô hình như trên bước đầu đã có những thành công nhất định, tạo được sự tin tưởng cho người sản xuất bởi giảm chi phí đầu tư, giá trị kinh tế, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Theo cán bộ thủy sản đây là mô hình canh tác hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên và khả năng của những hộ nông dân ở vùng trũng, dễ áp dụng trên địa bàn tỉnh. Mô hình được triển khai rộng sẽ tạo điều kiện để các hộ dân ít vốn tận dụng được diện tích nuôi trồng, tăng thu nhập và hạn chế sử dụng thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm ô nhiễm môi trường./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa/baonamdinh.com.vnn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn