Qua khảo sát và thu thập thông tin của Chi Cục BVTV tỉnh trên vùng trồng hoa huệ cho thấy, có nhiều đối tượng côn trùng gây hại, trong đó rệp sáp xuất hiện và gây hại phổ biến suốt thời gian sinh trưởng của cây huệ. Đặc biệt, vào mùa nắng, rệp sáp gây hại với mật số từ nhẹ đến nặng, chúng gây hại bằng cách chích hút lá và củ, nếu bị nhiễm nặng, lá bị vàng héo và chết khô cả bụi. Đồng thời, dịch tiết của rệp sáp là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng ký sinh, làm ảnh hưởng đến, sinh trưởng và phát triển của cây hoa huệ. Nếu không phát hiện và phòng trị kịp thời, rệp sáp có thể gây hại nghiêm trọng ảnh hưởng đến năng suất từ 50 - 100%.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra thực tế của Chi Cục BVTV thì hiện nay phần lớn nông dân trồng huệ ở Lai Vung đều chọn biện pháp sử dụng thuốc hóa học để phòng trị rệp sáp, ít có sự can thiệp từ các liệu pháp sinh học. Vì vậy, nhằm hạn chế rệp sáp gây hại, giúp nông dân làm quen dần với việc áp dụng các biện pháp sinh học vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, Chi Cục BVTV đã chọn chế phẩm sinh học từ vi nấm như nấm xanh Metarhizium anisopliae, nấm trắng Beauveria bassiana và nấm tím Paecilomyces javanicus, là những loại nấm ký sinh áp dụng vào phòng trừ rệp sáp trên cây huệ ở Lai Vung.
Anh Phan Trung Thành ngụ ấp Tân Phong, xã Phong Hòa tham gia mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trị rệp sáp trên cây huệ chia sẻ: “Nếu sử dụng thuốc hóa học để xử lý rệp sáp thì kết quả đạt rất cao, khoảng 90 - 95%. Tuy nhiên, sau khi phun xịt rệp sáp sẽ quay trở lại tiếp tục tấn công cây huệ. Vì vậy, vào những tháng mùa nắng, tôi phải phun thuốc phòng trị rệp sáp từ 8 - 12 lần/mùa, mùa mưa cũng phải phun từ 3 - 4 lần/mùa, tốn kém nhiều chi phí và công lao động. Còn đối với việc sử dụng các chế phẩm sinh học từ vi nấm, bước đầu tôi nhận thấy kết quả phòng trừ rệp sáp rất khả quan. Sau thời gian dài phun xịt, không thấy rệp sáp quay trở lại. Do đây là biện pháp sinh học, nên rất an toàn cho môi trường và người sử dụng. Vì vậy, hi vọng thời gian tới, các cán bộ kỹ thuật sẽ hướng dẫn chuyển giao cho chúng tôi sử dụng các chế phẩm này để phòng trị dịch hại rệp sáp”.
Sau những hiệu quả bước đầu từ mô hình, Chi Cục BVTV đề nghị tiếp tục có chương trình đánh giá hiệu lực phòng trừ rệp sáp của các chế phẩm sinh học từ vi nấm ở điều kiện thực tế đồng ruộng trên địa bàn huyện Lai Vung; cần xây dựng qui trình nhân sinh khối chế phẩm nấm tím Paecilomyces javanicus trên địa bàn tỉnh nhằm thuận lợi cho việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân ứng dụng rộng rải trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Đồng Tháp online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn