Thời gian qua, hoạt động khuyến nông đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua các mô hình, dự án, công tác khuyến nông đã hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về kiến thức kỹ thuật sản xuất, sử dụng vật tư như: Giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi… góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả cao.
|
Mô hình trình diễn khảo nghiệm, trình diễn ngô C.P511 tại huyện Kim Động |
Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo, định hướng của tỉnh, khảo sát thực tế nhu cầu sản xuất của nông dân các địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch công tác khuyến nông, trong đó đặc biệt coi trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Trung bình mỗi năm, trung tâm tổ chức hơn 200 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện hàng chục mô hình trình diễn, khảo nghiệm lúa, rau màu, chăn nuôi, nuôi thả thủy sản. Qua đánh giá, các mô hình đều mang lại hiệu quả cao hơn so với cách nuôi, thả thông thường và đang được nông dân ứng dụng rộng rãi. Điển hình là các mô hình “Thâm canh vải theo hướng Vietgap” tại xã Tam Đa (Phù Cừ); nuôi cá chép lai V1 theo hướng Vietgap tại các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Kim Động, Ân Thi; vỗ béo bò thịt, sản xuất bò giống chất lượng cao bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo tại thành phố Hưng Yên…
Ông Nguyễn Xuân Thu, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cừ cho biết: Toàn huyện có khoảng 500ha trồng vải, trồng nhiều nhất ở xã Tam Đa. Vải là một trong những giống cây ăn quả đặc sản có tiềm năng giá trị kinh tế cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thâm canh, người nông dân thiếu kiến thức về phát hiện, phòng trừ sâu bệnh hại, đặc biệt là sâu đục cuống quả vải. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của nông dân trong vùng, đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình “Thâm canh vải theo hướng Vietgap” tại xã Tam Đa với diện tích 30ha, 334 hộ tham gia. Trong quá trình thực hiện, các hộ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phát hiện và phòng, trừ sâu bệnh, được hỗ trợ một phần kinh phí mua thuốc BVTV... Kết quả cho thấy, không những năng suất, chất lượng, giá bán cao hơn so với mọi năm mà tỷ lệ sâu đục cuống quả vải còn giảm rất nhiều, ước tính còn dưới 10% số quả.
|
Mô hình nuôi bò thịt tại thành phố Hưng Yên |
Tại xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên), một trong những địa phương nhiều năm được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình vỗ béo bò thịt, sản xuất bò giống chất lượng cao bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, nay đàn bò ở đây đang phát nhanh với hàng nghìn con. Đàn bò lai sind, lai 3 máu giống ngoại vạm vỡ đã thay thế hoàn toàn đàn bò cóc trước đây.
Ông Bùi Văn Hoan là người có thâm niên nuôi bò thịt nhớ lại: “Trước đây, việc chăn nuôi, vỗ béo bò chỉ dựa vào kinh nghiệm, do không hiểu biết về kỹ thuật nên khẩu phần thức ăn, chi phí công lao động, đầu tư tài chính lớn mà bò vẫn chậm tăng cân, lãi suất thấp. Được tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, tôi có thêm hiểu biết về quy trình chăn nuôi và vỗ béo cho đàn bò. Ngoài cám, các phụ phẩm sẵn có như ngô, đỗ, cỏ, rơm được tận dụng làm thức ăn cho bò, vừa giảm chi phí lại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, gia đình tôi thường nuôi từ 14-20 con bò. Sau 3 tháng vỗ béo, trừ chi phí mỗi con cho thu lãi 3 triệu đồng. Nhờ ứng dụng kỹ thuật nuôi nhốt và ủ men thức ăn nên bò tăng trọng nhanh, chỉ cần một người chăm sóc được 20 con bò mà vẫn dư thời gian để làm việc khác”.
Mô hình vỗ béo bò thịt, sản xuất bò giống chất lượng cao bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo hiện nay đang được nông dân các huyện: Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên ứng dụng, mang lại hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường hơn so với nuôi truyền thống.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thả thủy sản ở tỉnh thời gian qua đã phát triển mạnh theo hướng hàng hoá đi đôi với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nuôi thả thuỷ sản vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh; giống cá chủ yếu là các giống truyền thống, năng suất thấp, sản phẩm cá nuôi giá bán chưa cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi trồng chưa đồng bộ, năng suất, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Để từng bước khắc phục những tồn tại trên và giới thiệu những giống cá mới, quy trình kỹ thuật trong nuôi thả thuỷ sản vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, những năm qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các tập thể và cá nhân liên quan triển khai thực hiện mô hình nuôi thả thủy sản, trong đó năm 2016 thực hiện mô hình “Nuôi ghép cá chép lai V1 theo hướng Vietgap” với quy mô 2 ha tại 4 huyện: Mỹ Hào, Văn Lâm, Kim Động, Ân Thi. Sau gần 9 tháng nuôi, mô hình nuôi ghép cá chép lai V1 theo hướng Vietgap, các chỉ tiêu đều vượt mục tiêu đề ra, trong đó tỷ lệ cá sống bình quân đạt 73,2%, năng suất bình quân 18,4 tấn/ha; thu lãi 128,6 triệu đồng/ha.
Từ kết quả thực hiện các mô hình, dự án khuyến nông đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những trang trại, gia trại sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi đã được đưa vào cơ cấu sản xuất đại trà.Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Nhằm phát huy vai trò, hiệu quả công tác khuyến nông trong phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian tới trung tâm chú trọng triển khai các mô hình áp dụng giống mới, giống đặc sản có năng suất, chất lượng cao, quy mô lớn nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn có đủ sức cạnh tranh trên thị trường, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, tập quán sản xuất của từng địa phương. Ngoài ra, trung tâm chú trọng nâng cao hiệu quả và nhân rộng các mô hình, dự án, đầu tư xây dựng mô hình khuyến nông theo công nghệ cao và dài hạn cho những cơ sở, hộ nông dân có đủ khả năng tiếp nhận và nhân rộng, triển khai theo hướng tập trung trọng điểm. Cùng với đó, trung tâm chỉ đạo trạm khuyến nông các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tăng cường tập huấn kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp cho nông dân.
Theo Đức Toản/ Báo Hưng Yên