HTX lúa tôm Thạnh Phú là đơn vị tiên phong hình thành mối liên kết HTX - DN trên địa bàn huyện Thạnh Phú. Sau 3 năm hợp tác, HTX chính thức kết nạp công ty Greenfield trở thành “đại thành viên” vào đầu năm 2018. HTX Thạnh Phú từ 74 thành viên ban đầu tăng lên 175 thành viên, với hơn 170ha đất sản xuất gạo hữu cơ.
Thành công đầu tiên
Ông Trịnh Văn Lang - Giám đốc HTX Thạnh Phú, cho biết: “Greenfield trở thành thành viên và đem theo 101 nông dân xã An Nhơn (đã hợp tác với công ty trong 3 năm qua) đến HTX. Vào HTX, 101 thành viên mới sẽ được công ty đóng góp vốn điều lệ 3 triệu đồng/người/ha theo quy định”.
Với sự góp mặt của “đại thành viên” mới, tiềm lực của HTX Thạnh Phú được gia tăng đáng kể. Không chỉ đóng góp về vốn, công ty trở thành đơn vị cung ứng giống, hỗ trợ 50% tiền phân bón, cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn kỹ thuật, giám sát sản xuất theo quy trình hữu cơ và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường 30 - 40%.
Để phát triển bền vững, tránh vết xe đổ của nhiều mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP “chết yểu” chỉ sau thời gian ngắn hoạt động, cả HTX Thạnh Phú và DN thành viên đều thống nhất cần hình thành mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn, và đây là lý do DN quyết định trở thành thành viên chính thức của HTX.
Chỉ sau thời gian ngắn kết hợp, khối liên kết HTX - DN tại Thạnh Phú cho thấy những kết quả tích cực. Ông Trương Thanh Hải - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Thạnh Phú, cho biết mô hình liên kết giúp nông dân bán được gạo với giá cao hơn thị trường 30 - 40%. Vụ mùa gần nhất, DN đã bao tiêu lúa sạch giá 7.600 đồng/kg, lúa hữu cơ giá 8.500 đồng/kg. Lợi nhuận trung bình của thành viên HTX đạt 40 - 50 triệu đồng/ha.
Cánh đồng mẫu lớn sản xuất gạo hữu cơ của HTX Thạnh Phú |
Nhân rộng mô hình
Sau những thành công ban đầu tại Thạnh Phú, nhiều DN tại Bến Tre cũng đang lên kế hoạch hỗ trợ thành lập thêm các HTX tương tự HTX Thạnh Phú. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2018, Bến Tre sẽ có thêm 1 - 3 mô hình liên kết HTX - DN, mang lại nhiều kỳ vọng cho người nông dân.
Thực tế, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa DN và nông dân tại các tỉnh ĐBSCL không còn quá xa lạ, tuy nhiên đa phần chưa đem lại hiệu quả cao. Các hợp đồng chỉ được ký mang tính hình thức, DN sẵn sàng “chạy làng” khi có nguy cơ bị lỗ, còn nông dân hủy hợp đồng khi có thương lái trả giá cao hơn.
Trong mô hình liên kết HTX – DN hiện tại, các DN trở thành thành viên chính thức và trực tiếp tham gia vào sản xuất là bản cam kết đáng tin cậy nhất cho người nông dân. Khi có niềm tin, nông dân sẽ đi theo định hướng của DN, thực hiện sản xuất khoa học, không lạm dụng thuốc BVTV, sử dụng phân hữu cơ, để tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao.
“Với hiệu quả vượt trội, các mô hình liên kết HTX - DN tại Thạnh Phú đã và sẽ truyền cảm hứng để các HTX, DN trên địa bàn tỉnh Bến Tre và cả nước tìm đến nhau, hình thành mối liên kết, đồng thời là cơ sở để các cấp quản lý tạo điều kiện phát triển, nhân rộng mô hình”, ông Hải nhấn mạnh.
Ngoài Bến Tre, tại nhiều tỉnh ĐBSCL cũng đang hình thành mô hình liên kết HTX - DN. Đơn cử, HTX Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) liên kết với Công ty Lương thực Tiền Giang, sản xuất 1.360ha lúa nguyên liệu chất lượng cao, an toàn, đạt chuẩn xuất khẩu. Trong 3 năm qua, công ty đã hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng cho HTX và luôn thu hồi được 100% vốn sau mỗi vụ mùa.
Các mô hình liên kết HTX - DN đang cho thấy hiệu quả thiết thực và trở thành nền tảng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, đem lại hiệu quả thiết thực và bền vững cho người nông dân. Vì vậy, việc hình thành các mô hình tương tự cần được các cấp, ngành địa phương trên cả nước đặc biệt quan tâm.
Nhật Minh/thoibaokinhdoanh.vn