Trung tâm chọn 3 hộ tiêu biểu với tổng diện tích 10.000 m2 để triển khai. Sau khi được lựa chọn tham gia dự án, các hộ dân đã tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá thâm canh. Cùng với đó, họ được hỗ trợ về con giống, thức ăn và thuốc phòng bệnh. Nhờ thực hiện việc nuôi cá theo đúng quy trình kỹ thuật nên tỷ lệ cá sống của các hộ đều đạt 80%, cá sinh trưởng phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh, tổng sản lượng ước đạt gần 8 tấn.
Có mặt tại đầm cá của gia đình anh Đinh Văn Tính (thôn Chỉnh Đốn, xã Gia Minh), một trong những hộ tham gia mô hình đúng lúc gia đình đang tập trung thu hoạch cá. Ao nuôi cá sâu, rộng chừng 5-6 sào, sau khi được bơm gần cạn nước, 4 người đàn ông lực lưỡng tham gia kéo lưới lên. Cá đặc lưới và chủ yếu là chép cỡ 1,2-1,5 kg. Cá được đưa lên bờ và thương lái cân thu mua ngay tại chỗ.
Anh Tính không giấu nổi niềm vui: Sau 6 tháng nuôi cá chép thâm canh trong ao, kết quả khiến tôi vô cùng bất ngờ, lúc đầu nghĩ chắc mỗi con chỉ tầm 8 lạng đến 1 kg, nhưng không ngờ trọng lượng cá chép đạt trung bình tới 1,3 kg, trắm 2,5 kg, mè 4 kg. Với 4.500 con cá giống được hỗ trợ ban đầu, hiện nay tôi thu về gần 4 tấn cá, lãi khoảng 100 triệu đồng. Anh Tính cho biết thêm: Nếu như trước đây nuôi cá theo phương thức truyền thống chỉ cho ăn lúa chét và rau cỏ tận dụng quanh nhà thì thời gian nuôi cá phải kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 10 năm sau mà trọng lượng cá lúc thu hoạch chỉ đạt khoảng 7-8 lạng. Nhưng khi nuôi theo phương thức thâm canh, bổ sung thêm thức ăn tinh, cám công nghiệp, cá lớn nhanh hơn nhiều. Đặc biệt, so sánh về giá trị kinh tế thì việc sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi cá thâm canh cho thu nhập và lãi suất cao hơn mô hình nuôi cá đại trà tận dụng thức ăn tự nhiên là trên 60 triệu đồng/ha.
Cùng tham gia mô hình với anh Tính, anh Nguyễn Văn Hoàn (thôn Hòa Bình, xã Gia Minh) chia sẻ: “Tham gia mô hình, gia đình tôi được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết, từ việc vệ sinh ao nuôi đến việc nuôi cá, lượng thức ăn cho từng giai đoạn, cách phòng trị bệnh. Mặc dù năm 2013 sản xuất thủy sản gặp nhiều khó khăn do những biến đổi thất thường của thời tiết, có nhiều đợt nắng nóng, mưa bão xảy ra nhưng cá của gia đình vẫn phát triển khỏe mạnh, không bệnh tật, kích cỡ đồng đều. Thực hiện mô hình thâm canh trên diện tích 3.000 m2, ước tính vụ này gia đình tôi thu về trên 2 tấn cá. Với giá bán tại đầm hiện nay là 50 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi 60 triệu đồng”. Hiện tại, gia đình anh Hoàn đang tiến hành dọn vệ sinh để chuẩn bị nuôi đợt cá mới theo hình thức thâm canh. Theo anh Hoàn, để áp dụng thành công mô hình này đòi hỏi các hộ phải có điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, diện tích ao hồ phải rộng, nguồn nước sạch. Tuy nhiên, để có được cơ sở vật chất như vậy phải đầu tư từ 300-400 triệu đồng/ha, trong khi đó việc vay vốn ngân hàng rất khó khăn. Do vậy, anh Hoàn mong muốn Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ về vốn để người nông dân có điều kiện đầu tư thâm canh, phát triển nghề cá, nâng cao thu nhập.
Ông Vũ Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Minh cho biết: Những năm gần đây, nhờ phát triển mô hình lúa-cá nên đời sống người dân trong xã được nâng lên đáng kể. Với 174 ha chuyên nuôi trồng thủy sản, hàng năm sản lượng cá của toàn xã đạt khoảng 100-120 tấn. Nếu mô hình này được nhân rộng có thể đưa sản lượng này lên con số 200 tấn, qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản xuất thủy sản nói riêng cũng như thu nhập của bà con nông dân nói chung.
Bài, ảnh: Hà Phương
Nguồn: baoninhbinh.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn