Ông Lê Văn Ngọt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười cho biết, giá lúa từ việc sản xuất giống cao hơn so với sản xuất lúa thông thường từ 500 - 1.000 đồng/kg.
Việc liên kết sản xuất lúa giống là hướng đi có hiệu quả để nông dân phát triển mạnh kinh tế hộ, góp phần nâng cao giá trị và thu nhập của người nông dân. Những năm gần đây, huyện Tháp Mười đã đầu tư kinh phí để mở nhiều lớp tập huấn sản xuất lúa giống cho nông dân ở các xã Mỹ Đông, Mỹ Hòa, Láng Biển, Thạnh Lợi ...
Nhiều hộ nông dân đạt được hiệu quả kinh tế cao vì sản xuất lúa giống. Điển hình như vụ đông xuân 2016-2017, gia đình ông Nguyễn Văn Thành, ở ấp 2 xã Mỹ Hòa có 3 ha ruộng liên kết sản xuất lúa giống với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, năng suất lúa IR 50404 đạt 7 tấn/ha, được công ty mua với giá 5.300 đồng/kg, cao hơn giá thị trường khoảng 1.000 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí ông Thành thu lãi từ 10 - 12 triệu đồng/ha.
Chị Nguyễn Thị Lan ở xã Mỹ Hòa cũng có 3ha lúa Jazmin 85 trong mô hình liên kết sản xuất giống với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, khi liên kết sản xuất với công ty được công ty hỗ trợ giống, thuốc, vốn, kỹ thuật. Lúa bán với giá cao hơn nên trừ chi phí gia đình lãi hơn 20 triệu/ha.
Ở huyện Lai Vung có mô hình nhân rộng giống lúa chất lượng cao OM 6976 vụ đông xuân 2016-2017, giống OM 6976 được bà con nông dân 2 ấp Long Bình và Long Hội canh tác trên 300 ha.
Ông Phạm Văn Tư, ấp Long Bình, xã Hòa Long cho biết, ruộng của ông cho năng suất 6,2 tấn/ha, cao hơn 0,2 tấn/ha so với lúa làm ngoài mô hình. Ngoài năng suất cao, lúa OM 6976 còn có những ưu điểm cứng cây nên ít đỗ ngã, kháng được một số loại dịch hại, đáng quan tâm là giá thị trường hiện tại cao hơn lúa IR 50404 500 đồng/kg.
Ở huyện Cao Lãnh có mô hình nhân giống lúa chất lượng cao với giống lúa Nàng hoa 9, thí điểm làm ở các xã Gáo Giồng, Phong Mỹ, Mỹ Thọ, Nhị Mỹ, Phương Thịnh với diện tích 40 ha mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất khoảng 7,5 tấn. Mỗi ha trừ chi phí sản xuất, thu lãi trên 22 triệu đồng, cao hơn 7 triệu đồng khi sản xuất ngoài mô hình.
Ông Phạm Hữu Phước, Giám đốc Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước đây, giống lúa phần lớn là đơn vị tự nghiên cứu, thực hiện chưa được “bài bản”. Chính vì vậy, đơn vị đang kết hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học để nghiên cứu lai tạo, ứng dụng ưu thế lai, gây đột biến, cấy mô, chuyển gen. Bên cạnh đó trung tâm đầu tư thiết bị nghiên cứu để rút ngắn thời gian lai tạo ra giống mới và tạo ra giống chất lượng hơn và đồng thời xã hội hóa công tác nhân giống.
Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đang hướng đến sản xuất lúa quy mô lớn, với những giống lúa chất lượng cao, chọn tạo giống lúa mới nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng cho chế biến và xuất khẩu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn