Vườn thanh long của ông Trần Văn Tuấn cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/công/năm
Thanh long - hiệu quả gấp 3 lần cây nhãn
Là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn đưa cây thanh long về trồng trên vùng đất Châu Thành và đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Trần Văn Tuấn - tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) sản xuất thanh long ruột đỏ xã Phú Hựu chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi trồng nhãn da bò nhưng cứ bình bình hoài không giàu được. Cách đây hơn 10 năm, qua học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, thấy thanh long cho hiệu quả cao hơn nên tôi bỏ nhãn, trồng thanh long. Nhờ quen biết với một số nông dân trồng thanh long nên tôi học cách trồng rồi về chuyển 4.000m2 đất từ nhãn sang thanh long”.
Trồng thanh long giai đoạn đầu nhà vườn phải đầu tư nhiều vốn, nhưng đây là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi, cho năng suất cao nên thu hồi vốn nhanh. Hiện nay, THT còn liên kết với Công ty Thạch Võ bao tiêu sản phẩm với giá bán rất ổn định, từ 30.000 - 35.000 đồng/kg (vụ thuận) và 50.000 - 60.000 đồng/kg (vụ nghịch).
Theo ông Tuấn, nếu so sánh hiệu quả thì giá trị của thanh long cao gấp 3-4 lần cây nhãn. Ví dụ, với 4.000m2 đất, nếu trúng giá mỗi năm có thể lãi được 200 - 300 triệu đồng trở lên, còn nhãn thì một năm không chắc lãi được 100 triệu đồng.
Sầu riêng bén duyên với vùng đất Châu Thành
Ông Nguyễn Văn Phạn ở tổ 1, ấp Phú Bình, xã Phú Hựu đã chọn sầu riêng làm “cây làm giàu” trên mảnh đất của mình. Chính cách làm đột phá này đã đem lại hiệu quả kinh tế đáng nể cho gia đình ông. Hiện với khoảng 60 gốc sầu riêng trên diện tích 3.500m2, mỗi năm ông có thể thu lãi trên 100 triệu đồng, cao hơn gấp 2 lần so với trồng nhãn da bò.
Ông Phạn tâm sự, thời điểm ông bỏ nhãn sang trồng sầu riêng thì nhiều người vẫn còn nghi ngại về hiệu quả của loại cây trồng này. Tuy nhiên, với lợi ích và hiệu quả của việc trồng sầu riêng mang lại hiện nay, ông cho rằng việc mình mạnh dạn chuyển đổi cây trồng là đúng, bởi sầu riêng hiện giá cũng hơn 40.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với nhãn da bò và đầu ra rất ổn định.
Tuy nhiên theo ông Phạn, mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng sầu riêng cũng là loại cây trồng mới, đòi hỏi phải biết kỹ thuật chăm sóc cao nên nông dân vẫn e ngại, chưa dám mở rộng. “Sầu riêng thường hay bệnh xì mũ thân, lá nếu cách phòng trị không đúng thì bệnh không hết và lây lan nhiều, chính vì vậy nhiều nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sầu riêng.
Hỗ trợ để phát triển
Theo ông Phạn, dần dần nông dân sẽ tự chuyển từ cây nhãn da bò sang trồng các loại cây mới có giá trị kinh tế cao vì các diện tích trồng nhãn da bò hiện không còn mang lại hiệu quả. “Theo tôi, trong tương lai 10-15 năm tới, các vườn nhãn da bò sẽ dần được thay thế bằng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, muốn chuyển đổi, nông dân còn gặp nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật cũng như đầu ra. Do vậy, đối với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, để đạt hiệu quả như mong muốn, Nhà nước phải có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nông dân mà trước hết là nguồn vốn vay, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Hiện chủ yếu là nông dân tự học hỏi kinh nghiệm, có khi chưa nắm vững kỹ thuật trồng” - ông Phạn chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Cường - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, thanh long, sầu riêng là những cây trồng xuất hiện ở địa phương khoảng chục năm nay nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy những năm gần đây, người dân chuyển đổi diện tích trồng khá mạnh. Đến nay đã có trên 1.633ha diện tích chuyển đổi từ vườn cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong đó chủ yếu là nhãn Châu Thành (1.565ha), thanh long, sầu riêng...
Cũng theo ông Cường, về kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện đã xây dựng và thực hiện triển khai từ cuối năm 2016. Trong đó, phối hợp với các xã nắm lại những diện tích đã chuyển đổi và có nhu cầu chuyển đổi, đồng thời xây dựng các phương án như hỗ trợ xây dựng THT, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và định hướng người dân sản xuất theo hướng an toàn để đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nguồn: Báo Đồng Tháp Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn