Với nhiều giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, huyện Hòa An đã và đang khẳng định bước đi đúng hướng trong thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy về Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2016 - 2020.
|
Mô hình trồng quýt xen ổi tại xóm Nà Lại, xã Hà Trì đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Huyện Hòa An đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung các sản phẩm lợi thế của địa phương, từng bước gắn kết giữa sản xuất với chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của địa phương; thực hiện “liên kết 4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện có 8 doanh nghiệp đầu tư thu mua thuốc lá, 2 doanh nghiệp đầu tư thu mua lạc giống, khoai tây.
Xác định thuốc lá là cây chủ lực trong Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, năm 2017, toàn huyện có 17/21 xã, thị trấn trồng thuốc lá với diện tích 1.819 ha, sản lượng đạt 4.276 tấn, nông dân thu nhập từ cây thuốc lá 180 tỷ đồng. Cùng với cây thuốc lá, huyện duy trì và phát triển các mô hình rau an toàn, xây dựng vùng rau chuyên canh 20 ha cho năng suất cao, giá trị trên 200 triệu đồng/ha; tiếp tục nhân rộng các mô hình cây ăn quả (cam Trưng Vương, quýt Hà Trì đã được phục tráng). Triển khai hỗ trợ 650 triệu đồng thực hiện 3 mô hình sản xuất, chăn nuôi tại 4 xã: Hồng Việt, Nam Tuấn, Đại Tiến, Hoàng Tung. Trong đó, mô hình lạc giống liên kết với Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Hòa An thu mua sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho nông dân, quy mô 15 ha, thực hiện tại các xã: Đại Tiến, Hồng Việt, Nam Tuấn, với 150 hộ tham gia; mô hình khoai tây vụ đông, có bao tiêu thu mua sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho nông dân, quy mô 10 ha với 100 hộ tham gia, tại 2 xã Hoàng Tung, Hồng Việt (nông dân được hỗ trợ 100% lượng giống khoai tây Marabel F1, giống lạc L14 nguyên chủng, 50% vật tư phân bón, 50% còn lại do nông dân đối ứng); mô hình hỗ trợ giống gà Ai Cập đẻ trứng, số lượng 975 tại xã Nam Tuấn, tỷ lệ gà sống đạt trên 90%, mỗi con gà bình quân đẻ 250 quả trứng/năm.
Cùng với trồng trọt, huyện xác định chăn nuôi là ngành sản xuất quan trọng trong tái cơ cấu ngành, trong đó chú trọng tái cơ cấu trong hình thức sản xuất. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các tổ, nhóm chăn nuôi an toàn do Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm chuyển giao tại 6 xã với 31 nhóm hộ và 478 hộ tham gia, đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả trong chăn nuôi. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có hàng trăm hộ đầu tư gia trại chăn nuôi lợn từ 20 - 40 nái, hàng trăm con lợn thịt, tiêu biểu có Công ty TNHH Thái Dương đầu tư trang trại tại xóm Khuổi Vạ, xã Bế Triều nuôi 100 con lợn nái, hơn 600 con lợn thịt, hơn 1.000 con gà. Sản lượng xuất chuồng của gia súc, gia cầm tăng từ 5 - 10%/năm. Giá các sản phẩm chăn nuôi ổn định, người chăn nuôi có lợi nhuận cao.
Sản xuất hàng hóa ở Hòa An tuy đã đạt kết quả khả quan, song sản lượng chưa nhiều, chất lượng chưa ổn định, chưa tạo tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc huy động các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp chưa nhiều, chưa hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Việc triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm về XDNTM ở nhiều xã chưa đáp ứng yêu cầu; vệ sinh môi trường nông thôn ở nhiều khu dân cư chưa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Để thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM, huyện Hòa An tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch nông, lâm, thủy sản hiện có; rà soát điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể nông nghiệp cho phù hợp. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vào các hoạt động khoa học công nghệ; xây dựng mô hình, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ mới, có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng. Phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất. Thay đổi mô hình kinh tế hộ sang kinh tế tập thể với nòng cốt là các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị; hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với quy mô vừa và nhỏ, hoặc liên kết một số khâu trong chuỗi giá trị, nhất là khâu thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Lựa chọn cây, con chủ lực để ưu tiên phát triển, tạo liên kết vùng để sản xuất khối lượng sản phẩm lớn đồng nhất về chất lượng, tăng tính cạnh tranh mang lại hiệu quả cao. Tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thành lập các hiệp hội ngành, hàng để điều phối hoạt động sản xuất, hỗ trợ thông tin, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
Theo Nhật Thương/Báo Cao Bằng.vn