Vốn là xã thuộc vùng khó khăn 135, trước đây thu nhập của người dân xã Hùng Tiến chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Những năm qua, trên cơ sở đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp, diện tích trồng sả trên địa bàn xã đã dần được mở rộng gắn với các mô hình liên kết trồng, chế biến tinh dầu sả.
Tìm hiểu được biết, cây sả được đưa về trồng tại xã Hùng Tiến từ khoảng hơn chục năm trước song do quy mô nhỏ và người trồng chỉ bán củ nên việc trồng sả lúc đó chỉ mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Đến năm 2014, khi có tư thương về đặt máy ép tinh dầu từ lá sả, người dân trong xã đã thấy rõ hơn hiệu quả từ trồng sả. Đặc biệt, đầu năm 2015, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Huy Chỉ được thành lập với hoạt động chính là liên kết người dân trồng và chế biến cây sả nên đã có tác dụng thúc đẩy bà con mở rộng diện tích. Hơn 3 năm qua, HTX giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng mô hình thâm canh cây sả tại xã Hùng Tiến. Từ năm 2018, HTX đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm là củ sả, tinh dầu sả cho xã viên và các hộ dân trên địa bàn. Hiện nay, HTX Dịch vụ tổng hợp Huy Chỉ đang có 40 thành viên. Với việc ứng dụng công nghệ mới trong việc ép tinh dầu từ lá sả, các hộ trong xã không chỉ bán củ như trước đây mà còn có thêm thu nhập đáng kể từ bán lá và tinh dầu sả. Đến nay, nhiều hộ trong xã đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ trồng sả.
Liên kết thâm canh cây sả đang giúp nhiều hộ dân ở xã Hùng Tiến vươn lên thoát nghèo
Anh Bùi Văn Thường ở xóm Ba Bị, xã Hùng Tiến chia sẻ, cây sả không yêu cầu cao về kỹ thuật chăm sóc, trồng lứa đầu tiên sau 6 tháng là được thu hoạch và duy trì gốc thu hoạch 2 vụ/năm, 3 năm sau mới phải trồng lại. Bình quân 1 ha cho thu hoạch 20 tấn củ, 10 tấn lá/vụ, trừ chi phí mang lại thu nhập từ 75 - 80 triệu đồng/ha. Từ đó, gia đình tôi cùng các hộ khác trong xóm thực hiện dồn điền, đổi thửa để trồng sả theo 2 phương thức chuyên canh trên diện tích lớn và xen canh dưới vườn cây ăn quả có múi.
Theo những hộ trồng sả ở xã Hùng Tiến, cây sả là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi và tốn ít công chăm sóc, cây sả có ưu điểm chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục đến 3 năm liền. Cây sả lại dễ thích nghi với đất đồi thấp, có khả năng chịu hạn cao và ít bị sâu bệnh. Trồng sả chỉ phải làm cỏ năm đầu, từ năm thứ hai trở đi sả đã kín đất, không phải làm cỏ, đặc biệt không phải dùng phân bón và thuốc hóa học. Với giá thu mua sả hiện nay là 4.500 đồng/kg và giá bán tinh dầu đang khoảng 400 - 500 ngàn đồng/kg, người trồng sả có thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với trồng các loại cây như ngô, lúa.
Ông Bùi Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến, huyện Kim Bôi cho biết, tính đến hết tháng 7/2019, toàn xã đã có trên 80 ha trồng sả. Qua nắm bắt, lượng sả thương phẩm của người dân trong xã hiện đều được thu mua tại chỗ. Từ kết quả của mô hình liên kết thâm canh cây sả, cấp ủy, chính quyền xã Hồng Tiến đã có định hướng xây dựng sả thương phẩm và tinh dầu sả thành sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời, Đảng ủy, UBND xã cũng xác định cây sả là nông sản mũi nhọn của địa phương.
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc phát triển diện tích, nâng cao năng suất và giá trị thu nhập từ trồng sả thực sự là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp người dân ở Hùng Tiến giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 18,5%, trong đó, các hộ trồng sả đều đã thoát nghèo; nhiều hộ có thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/hộ/năm.
Tuy nhiên, để cây sả thương phẩm và tinh dầu sả đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn, đáp ứng được nhu cầu về dược liệu, gia vị của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Hùng Tiến cần được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành trong xây dựng thương hiệu, tiếp cận vốn vay, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và chế biến sả. Qua đó, tạo cơ hội để mô hình liên kết thâm canh cây sả tiếp tục có được những hiệu quả bền vững, thiết thực./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn