Tuyến đê hữu Hồng, quận Hoàng Mai là đê cấp đặc biệt, chiều dài 8.410m. Phía Bắc giáp quận Hai Bà Trưng tại K70+500, phía Nam giáp huyện Thanh Trì tại K78+910. Trên toàn tuyến có một kè lát mái hộ bờ kè Thanh Trì, có 15 cửa khẩu, các cửa khẩu này đều được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép và có thanh phai để hoành triệt khi nước lũ lên cao. Ngoài ra còn có hệ thống giếng giảm áp gồm 90 chiếc đã đưa vào sử dụng.
Tuyến đê kiểu mẫu quận Hoàng Mai |
Hiện toàn tuyến đê quận Hoàng Mai là tuyến đê có chạch, năm 2008 trong dự án cải tạo mặt đê hữu Hồng kết hợp giao thông trên địa phận Hoàng Mai đã thi công cải tạo nâng cấp mặt đê, tại đoạn đê đã được tôn cao thêm bằng cách rải nhựa Asphalt. Năm 2012 dự án cải tạo, nâng cấp mặt đê Nguyễn Khoái đoạn nút giao cầu Vĩnh Tuy đến dốc Lĩnh Nam bắt đầu thi công, đến nay toàn tuyến đã hoạt động bình thường.
Thân đê, nền đê cơ bản đảm bảo an toàn, tuy nhiên do toàn tuyến vào đầu mùa mưa xuất hiện khá nhiều tổ mối nhưng do tổ chức đào và xử lý tổ mối muộn nên hiệu quả không được cao. Hệ thống chắn song, đoạn nằm dưới gầm cầu Thanh Trì được chỉnh trang lát mái chống sóng bằng đá hộc trong khung bê tông với tổng chiều dài 200m, trong đó 40m chạch được xây dựng theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Năm 2010, thi công lát mái chỉnh trang đoạn từ Khuyến Lương K76+280 đến cửa khẩu trường bắn K76+900 từ cao trình +11 lên đến mặt chạch, công trình thi công xong đã phát huy hiệu quả.
Toàn tuyến đê được trồng hoa, trồng cỏ khá đẹp mắt |
Ông Phạm Hùng Lân, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 3 cho biết: “Hiện toàn tuyến đê cơ bản được đảm bảo. Hầu như không có vi phạm về Pháp lệnh Đê điều cũng như hành lang an toàn đê. Điều đáng mừng là ý thức của người dân ngày càng nâng cao”. |
Đối với điếm canh đê, toàn tuyến có 10 điếm canh đê do chính quyền địa phương quản lý, hầu hết các điếm được xây mới và duy trì thường xuyên theo kế hoạch. Trên toàn tuyến, mặt đê đã được cứng hóa kết hợp làm đường giao thông: từ K70+500 đến K78+910 được trải nhựa nhiều năm, riêng mặt đê Nguyễn Khoái đảm bảo yêu cầu tải trọng xe theo quy định. Toàn bộ tuyến Hoàng Mai đã được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng.
Thực hiện phong trào thi đua xây dựng tuyến đê kiểu mẫu do Bộ NN- PTNT phát động, năm 2017 quận Hoàng Mai đã tiến hành triển khai xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, nhờ vậy đê đảm bảo an toàn, hành lang sạch đẹp. Đi thực tế tại tuyến đê hữu Hồng, quận Hoàng Mai, các mái đê không còn có các điểm tập kết phế thải, rác thải, không có hiện tượng lấn chiếm hàng lang an toàn đê. Toàn tuyến đê được tô điểm thêm màu sắc của hoa, của cỏ một cách hệ thống, sạch sẽ, thông thoáng.
Theo ông Lân, toàn tuyến đã triển khai 70% phần việc chỉnh trang lại mái đê. Đồng hành cùng chính quyền còn có sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn còn đứng ra nhận từng khu vực quản lý, trồng cỏ, chăm sóc, tu sửa các mái đê.
Hiện nhiều tuyến đang được triển khai thực hiện |
Ông Lân hào hứng nói: “Trước kia chưa triển khai xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, phế thải, rác thải của người dân đổ trên mái đê rất nhiều. Sau khi chỉnh trang lại mái đê, toàn tuyến đê đảm bảo an toàn hành lang, mái đê được trồng hoa, cỏ, trở sạch đẹp, thông thoáng hơn".
Phường Thanh Trì là phường tiên phong đi đầu trong thực hiện phong trào xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, từ chỗ là điểm nóng về tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường đến nay tuyến đê đi qua địa phận phường đã có bộ mặt mới.
Ông Bùi Văn Nguyện, Phó chủ tịch UBND phường Thanh Trì chia sẻ: “Trước chưa chỉnh sửa lại mái đê, cây cỏ mọc lên um tùm, người dân vứt rác bừa bãi. Tới giờ phường đã chỉnh trang lại mái đê dài hơn 2km, trên mái đê được trồng cỏ, hoa. Từ khi làm xong mái đê, người dân không còn vứt rác bừa bãi, phế thải, phế liệu không còn tập kết trên mái đê nữa”.
Là một người dân sống gần tuyến đê hữu Hồng, ông Nguyễn Xuân Hóa ở phường Thanh Trì rất hào hứng: “Trước đây mái đê rác chất thành đống, cây cối mọc cao lên đến cả mét, người dân vứt mọi thứ ra mái đê. Khi có chỉ thị ra hợp lòng dân, nên bà con rất phấn khởi. Đồng thời người dân có trách nhiệm cao hơn, ngày trước môi trường ô nhiễm, người dân bán nhà đi, sau khi triển khai làm sạch cảnh quan tuyến đê, bà con ở lại. Đồng thời ngày trước cây cao, tai nạn thường xuyên xảy ra, nay hạn chế được tai nạn”.
Ông Trần Công Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN- PTNT): “Thực phong trào xây dựng tuyến đê kiểu mẫu đã tạo sự lan tỏa rất tốt, không chỉ trong từng huyện, từng tỉnh mà từ khu vực này sang khu vực khác. Hiện nay, nhiều địa phương triển khai phong trào này rất tốt như TP Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên… Phong trào có sự đồng tình tham gia không chỉ của người dân mà còn cả doanh nghiệp, cho thấy ý thức của người dân, tổ chức đã nâng lên rất cao”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn