Ông Liên chăm sóc cây thuốc giống trong vườn.
Phần lớn dân cư sinh sống trên địa bàn huyện Hoành Bồ là người dân tộc Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán. Từ lâu, đồng bào nơi đây đã biết trồng và sử dụng các loại cây thuốc Nam làm thuốc chữa một số loại bệnh. Tuy nhiên, việc khai thác không hợp lý khiến nguồn dược liệu này có nguy cơ khan hiếm, thậm chí một số loài có thể bị mai một.
Để bảo tồn và góp phần khai thác thế mạnh của địa phương, tạo giá trị gia tăng từ cây dược liệu, hơn 3 năm qua, đồng bào các dân tộc nơi đây đã hăng hái phát triển mô hình trồng, bảo tồn cây dược liệu, khẳng định hiệu quả của hướng phát triển kinh tế mới, bền vững.
Chúng tôi tới thăm thôn Hang Trăn, xã Tân Dân, là địa phương đi đầu trong việc trồng cây dược liệu ở Hoành Bồ. Được biết, xã Tân Dân đã quy hoạch diện tích hơn 6ha để trồng cây thuốc Nam. Năm 2013, xã có 3 hộ tham gia trồng cây dược liệu trên diện tích 2ha, nguồn vốn huy động đầu tư trực tiếp theo mô hình gần 492 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 400 triệu đồng, nhân dân đóng góp 84 triệu đồng. Các hộ tham gia được tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tham quan mô hình, tham gia hội thảo. Bên cạnh đó, các hộ cũng thường xuyên được cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn trồng các loại cây dược liệu.
Gia đình ông Triệu Tiến Minh, thôn Hang Trăn, là một trong 3 hộ tham gia mô hình. Ông đã có gần 50 năm tìm hiểu về cây dược liệu, đồng thời cũng là người chuyên bốc thuốc Nam. Ngoài ra, các con của ông cũng có nhiều kiến thức về các loại cây dược liệu. Anh Triệu Đức Liên, con trai ông Minh, dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng thuốc Nam rộng hơn 1ha của gia đình. Anh Liên cho biết: “Cũng như nhiều người dân trên địa bàn xã, gia đình tôi thường xuyên lên rừng tìm cây thuốc về chữa bệnh. Nhưng đến nay. Nguồn nguyên liệu cây thuốc Nam đã cạn kiệt, nhận thức được việc phải bảo tồn những loại cây thuốc quý, đồng thời để có nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc bốc thuốc chữa bệnh, gia đình đã tự trồng nhiều loại cây dược liệu tại vườn nhà. Đến nay, gia đình tôi đã trồng được hơn 300 cây dược liệu các loại. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng nghiên cứu, đề xuất phát triển loại cây lá tắm đặc trưng của người Dao, xây dựng đề án đưa loại cây này trở thành sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) của huyện Hoành Bồ”.
Việc phát triển cây dược liệu sẽ góp phần khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Liên chia sẻ: “Tôi thấy nghề trồng cây dược liệu tại địa phương đang dần mai một, nhiều cây thuốc quý đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Không ngại khó, tôi đã tìm đến các vùng rừng trong xã, huyện để bổ sung các loại dược liệu cho khu vườn của mình. Thậm chí có những loại, tôi phải lặn lội đường đất ra các tỉnh miền núi phía Bắc như Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn để đưa về vườn thuốc Nam của nhà”.
Đến nay, hiệu quả từ dự án trồng cây dược liệu rất khả quan. Riêng gia đình ông Liên đã được thu hoạch một số loại dược liệu phục vụ cho việc chữa bệnh. Ngoài ra, một số loại đã có thương lái về mua với giá từ 30.000 đồng/kg. Mỗi tháng, ông Liên tạo được thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Ngoài ra, vườn cây thuốc Nam của ông còn tạo việc làm cho một số lao động địa phương, lúc cao điểm thu hút khoảng 7 lao động, hàng tháng cố định khoảng 3 lao động chăm sóc cây. Không chỉ phát triển cây dược liệu, ông Liên còn chia sẻ, hỗ trợ kinh nghiệm cho các hộ cùng xã cách trồng và thu hoạch cây dược liệu. Nhờ đó, diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn phát triển mạnh.
Giống như gia đình ông Liên, gia đình chị Triệu Thị Dung, thôn Bằng Anh, có 1ha trồng cây dược liệu. Chị Dung cho biết: “Gia đình tôi chủ yếu trồng lúa và có một diện tích nhỏ trồng keo, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao nên tôi luôn muốn tìm những cây, con phù hợp để nuôi, trồng để nâng cao thu nhập. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi mạnh dạn trồng cây ba kích, chè hoa vàng. Đến nay, cây phát triển khá tốt, hy vọng thời gian tới sẽ có thu nhập cao”.
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Dân, mô hình trồng cây thuốc Nam hứa hẹn sẽ cho giá trị kinh tế cao. Đơn cử như cây hoài sơn, sau một năm trồng sẽ cho thu nhập khoảng 85,5 triệu đồng/ha; cây kim ngân từ năm thứ hai bắt đầu cho thu hoạch, bình quân 95 triệu đồng/ha/năm, cây xạ đen 127 triệu đồng/ha/năm…
Ngoài lợi ích kinh tế, mô hình này còn góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, từ đó xoá đói giảm nghèo cho nhân dân địa phương, thúc đẩy phát triển ngành nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, qua đó hình thành vùng trồng cây dược liệu có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn.
Năm 2017, Tân Dân tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn tìm hiểu trồng các loại cây dược liệu. Đồng thời, xã cũng mong muốn tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ để phát triển sản xuất cây dược liệu, hình thành vùng sản xuất chủ lực của huyện trong thời gian tới.
Long Vũ/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn