Mỗi hécta thu vài chục tỷ đồng
Tại Hội thảo Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và sản phẩm an toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Báo NTNN/ Dân Việt tổ chức tại Đà Nẵng, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết: “Sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý hiếm và có giá trị kinh tế cao, sâm có nguồn gốc chỉ dẫn địa lý tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Tuy nhiên, việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu vẫn là sâm củ, các sản phẩm chiết xuất từ cây sâm Ngọc Linh chưa nhiều nên chưa mang lại giá trị gia tăng cao".
"Tỉnh Quảng Nam đã nhận thức được sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác là hướng đi chủ lực để xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của bà con miền núi. Do đó, Quảng Nam đã có đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh đến 2020 và trình Chính phủ đề án bảo tồn cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và đã được Chính phủ thông qua. Mới đây, sâm Ngọc Linh đã được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia" - ông Bửu nói.
Quang cảnh Hội thảo NNCNCN diễn ra tại Đà Nẵng do báo NTNN/ Dân Việt tổ chức.
Sâm Ngọc Linh, cây "đẻ" trứng vàng ở Quảng Nam
“Hiện, Nam Trà My có khoảng 1.200ha sâm Ngọc Linh, trong đó, 95% diện tích là của người dân trồng. Sâm Ngọc Linh chỉ thích nghi với khí hậu nhiệt đới, thổ nhưỡng trời ban cho vùng đất đó. Nếu bón phân, tưới nước củ sâm sẽ thối, sâm được trồng theo cách truyền thống chứ chưa trồng theo phương pháp áp dụng kỹ thuật và chưa thể trồng tại đồng bằng và đại trà như sâm Hàn Quốc” - ông Bửu nhấn mạnh.
Mặc dù, giá trị kinh tế mà cây sâm mang lại khá cao, giá sâm tươi từ 70 - 100 triệu đồng/kg, 1ha sâm Ngọc Linh sau 5 năm sẽ thu lời khoảng 70 tỷ đồng nhưng việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh vẫn ở quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh đặc hữu của vùng, số hộ trồng sâm còn ít, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự “mặn mà” với dự án phát triển cây sâm quý.
Một cây sâm Ngọc Linh hàng chục năm tuổi cho trái với giá trị kinh tế cao (Trong ảnh: Ông Lương Tấn Oanh - Giám đốc Công ty TNHH Nấm lim xanh Tiên Phước bên vườn sâm của mình).
Cần di thực cây sâm Ngọc Linh để bảo tồn
Để bảo tồn sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Dự thảo Đề án “Quy định về cho thuê đất rừng và mức giá cho thuê đất rừng để bảo vệ và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, nhằm bảo vệ và phát triển vốn rừng, bảo tồn nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh, đồng thời tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân, tạo ra các sản phẩm dược liệu.
Dự án mở ra tín hiệu lạc quan cho Quảng Nam về một “mảnh đất vàng” trồng cây sâm quý, giúp nâng tầm vị thế cho địa phương, đưa thương hiệu nhân sâm Việt Nam đi khắp năm châu bốn biển, giúp người dân thoát nghèo, từng bước nâng cao đời sống và giữ gìn màu xanh quê hương…
Đến nay, diện tích sâm Ngọc Linh đã phát triển tại 7 xã trên địa bàn huyện, số hộ trồng sâm tăng lên 1.200 hộ, đăng ký trên 1.500ha dịch vụ môi trường rừng trồng sâm. Tốc độ phát triển trong dân gần 900%, phong trào trồng sâm Ngọc Linh trong dân trên địa bàn huyện Nam Trà My tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.
Ngoài bảo tồn giống gen ra, huyện Nam Trà My cũng đang tính phương án di thực cây sâm.
Nhận thức của người dân cũng thay đổi rõ rệt, biết giữ rừng để trồng sâm Ngọc Linh, từng hộ dân đã biết tận dụng diện tích đất dưới tán rừng, biết cách sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư trồng sâm, có hộ vay đến hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng sâm. Ngoài ra, hiện đã có 6 doanh nghiệp, một tập đoàn đăng ký trồng sâm, với tổng diện tích đăng ký gần 300ha.
"Bên cạnh đó, huyện cũng đang lo là làm sao bảo tồn nguồn gen gốc. Và bảo vệ có khoa học kỹ thuật chứ không thể bảo vệ theo cách dân gian…” - ông Bửu chia sẻ.
Để phát triển cây sâm Ngọc Linh thời gian tới, ông Hồ Quang Bửu đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh có cơ chế tốt mời gọi các tập đoàn lớn kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp vào trồng và sản xuất những sản phẩm về sâm. Trồng sâm là trồng rừng, phục hồi rừng, bảo vệ rừng bảo vệ môi trường.
Chính phủ cần xem xét đưa loại cây này ra khỏi danh mục quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm, tạo điều kiện để cây sâm núi Ngọc Linh phát triển rộng rãi và trở thành sản phẩm hàng hoá.
Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam cần có chương trình, kế hoạch nghiên cứu sâu về sâm Ngọc Linh để khoảng 5 năm, 10 năm sau có thể cạnh tranh với sâm Hàn Quốc trên thị trường thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2017, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 cho cây sâm Ngọc Linh (sâm Ngọc Linh ở đỉnh Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum). Tháng 9.2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000ha, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách khoảng 1.500 tỷ, còn lại huy động vốn xã hội hóa. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn