TS Đỗ Tuấn Khiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn cho biết: “Hồng không hạt Bắc Cạn là cây bản địa, có nguồn gen quý hiếm, được trồng ở vùng đất đặc thù về địa lý, sinh thái, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch lớn, thổ nhưỡng phù hợp, cộng với kinh nghiệm canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số đã làm cho hồng không hạt có chất lượng ngon có tiếng nên được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý”.
Quả không có hạt, vỏ màu vàng, vị ngọt dịu, giòn, thơm, nhiều đường cát, giàu dinh dưỡng, không sử dụng hóa chất bảo quản và là đặc sản của địa phương nên hồng không hạt Bắc Cạn ngày càng được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến.
Quảng Khê là xã trồng nhiều hồng nhất ở huyện Ba Bể, đời sống trên địa bàn xã trong những ngày này thật nhộn nhịp bởi người dân ở các thôn, bản thu hái, vận chuyển hồng đến trung tâm xã bán cho những người ở Thái Nguyên, Hà Nội lên, thị trấn Chợ Rã vào thu mua, vận chuyển đi các nơi tiêu thụ.
Chị Lường Thị Khơi ở thị trấn Chợ Rã, đưa xe tải nhỏ vào trung tâm xã Quảng Khê thu mua hồng từ 22 nghìn - 25 nghìn đồng/kg, quả to, đều mua với giá 30 nghìn đồng/kg. Chị Khơi chia sẻ, vận chuyển về Thái Nguyên bán với giá 35 nghìn - 40 nghìn đồng/kg, quả to, đều bán với giá 50 nghìn đồng/kg. Vụ hồng năm trước, chị thu mua được 40 tấn quả ở Quảng Khê đưa đi tiêu thụ, lãi hàng chục triệu đồng.
Gia đình bác Lường Văn Hồ ở thôn Nà Chom, xã Quảng Khê trồng 400 cây hồng không hạt trên sườn núi, đến nay hàng trăm cây có quả, cây nào cũng sai lúc lửu, có những cây cho hơn một tạ quả. Năm 2016, bác Lường Văn Hồ bán hồng thu 110 triệu đồng, đến khi toàn bộ 400 cây hồng cho thu hoạch, mỗi năm có thể thu vài trăm triệu đồng.
Anh Hứa Văn Bày cũng ở thôn Nà Chom, xã Quảng Khê có trang trại 200 cây hồng, đến nay 30 cây đã có quả. Năm nay, anh Bày dự kiến thu một tấn quả, mang lại thu nhập khoảng 23 triệu đồng. Anh Bày vui mừng, nhiều năm qua, hồng không hạt luôn giữ giá từ 20 nghìn - 25 nghìn đồng/kg. Một cây hồng sáu, bảy năm tuổi, cho thu hoạch 50 - 60 kg quả, cho thu nhập hơn một triệu đồng, có những cây hồng cổ thụ cho hơn một tạ quả. Bình quân mỗi héc-ta hồng có khoảng 400 cây, cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, trong khi đó hồng rất ít sâu bệnh, hằng năm bón NPK một đến hai lần.
Quảng Khê là xã vùng xa của huyện Ba Bể, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay toàn xã có gần 40 ha hồng, trong đó hơn 50% diện tích đã cho thu hoạch. Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Văn Thế cho biết, nông dân toàn xã đang vay hơn 20 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó sử dụng khoảng 30% số vốn này để trồng hồng.
Việc sản xuất giống hồng ở Quảng Khê mang tính chất truyền thống, người dân địa phương lấy rễ từ những cây hồng đầu dòng, cây hồng ưu tú để dâm thành cây giống, bán với giá 80 nghìn đồng/cây. Việc nhân giống như vậy làm cho hồng không bị thoái hóa, giữ được giá trị của hồng không hạt.
Tỉnh Bắc Cạn hiện nay có gần 1.000 ha hồng không hạt, được trồng phân tán ở các huyện Ba Bể, Chợ Đồn và Ngân Sơn, nơi có khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù. Hồng không hạt Bắc Cạn được thu hoạch trước và trong dịp Tết Trung thu nên tiêu thụ rất tốt, giá ổn định.
Nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh Bắc Cạn đang khuyến khích người dân ở vùng quy hoạch trồng hồng là Ba Bể, Chợ Đồn và Ngân Sơn trồng hồng với chính sách cụ thể nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn hơn, đồng thời tăng cường quảng bá nông sản này, làm cho người tiêu dùng nhiều nơi biết đến. Qua đó, giúp giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu cho nông dân trồng hồng không hạt.
Năm nay, bác Lường Văn Hồ ở thôn Nà Chon, xã Quảng Khê dự kiến sẽ bán bảy tấn hồng, thu khoảng 150 triệu đồng.