Là “hai lúa” chính hiệu, anh Thấm thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của người nông dân quê mình. Anh trăn trở, tìm tòi và học hỏi để có thể giúp bản thân và bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất của mình.
Cuối năm 2013, có mặt tại buổi sơ kết 1 năm Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, anh Thấm nghe ông Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó là Lê Minh Hoan trăn trở: “Ở đây toàn nghe báo cáo lỗ, xin hỗ trợ, khó khăn, mà không ông nào nói bài toán chắt chiu để giảm giá thành hay liên kết giúp nông dân cho đỡ khổ”. Chính trăn trở này của ông Chủ tịch tỉnh đã thôi thúc Thấm mày mò, nghiên cứu để rồi sáng tạo ra mô hình Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đức Huệ do anh làm Giám đốc.
Hợp tác xã Đức Huệ tập hợp ruộng đất của nông dân để sản xuất quy mô lớn nhằm giảm giá thành. Ảnh: G.H |
Theo đó, Hợp tác xã Đức Huệ sẽ ký hợp đồng sản xuất lúa thuê trọn gói. Nông dân chỉ cần giao ruộng và chi phí đầu tư 22 triệu đồng/héc-ta/vụ cho hợp tác xã rồi yên tâm đi làm chuyện khác. Hợp tác xã cam kết trả cho các hộ giao đất 7 tấn lúa/héc-ta vào cuối mỗi vụ. Nếu năng suất thấp hơn, hợp tác xã sẽ bù vào.
Cách thuê của HTX Đức Huệ đang cao hơn giá thị trường khoảng 10 triệu đồng/héc-ta, nhưng anh Thấm rất tự tin vào thành công của mô hình này.
Nhận thấy việc sản xuất nhỏ lẻ của nông dân sẽ dẫn đến giá thành sản xuất cao, trong khi giá lúa do thị trường điều tiết. Vì vậy, sản xuất với quy mô lớn là bước đầu tiên để giảm giá thành và tăng lợi nhuận. Đó là lý do hợp tác xã thực hiện mô hình này, vừa giúp nông dân tăng lợi nhuận, vừa tạo nguồn thu cho xã viên.
“Kết quả thu hoạch 3 vụ lúa năm 2015 của Hợp tác xã Đức Huệ như sau: vụ Đông Xuân sản lượng đạt 8,5 tấn/héc-ta, vụ Hè Thu đạt 7 tấn/héc-ta, nhưng vụ 3 chỉ đạt 5,8 tấn/héc-ta. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao trả cho người dân như đã cam kết, hợp tác xã còn dư không nhiều, nhưng cái lãi lớn nhất đó là niềm tin của người dân được củng cố, số người tìm đến với hợp tác xã ngày một nhiều, cái lãi rõ nhất là ở giá đầu vào các dịch vụ giảm nhiều vì áp dụng trên một diện tích lớn. Tham gia mô hình này, nông dân không tốn công chăm sóc lúa, nhưng vẫn được sản lượng ổn định và không phải lo tìm đầu ra cho hạt lúa. Hơn nữa, nông dân có thể tìm việc làm khác để có thêm thu nhập hoặc làm công cho hợp tác xã”, Giám đốc Thấm cho biết.
Hiện tại, Hợp tác xã Đức Huệ có 55 thành viên, hoạt động 10 loại dịch vụ liên quan đến nông nghiệp, quản lý và khai thác 260 héc-ta đất trồng lúa có hệ thống đê bao khép kín, tưới tiêu bằng trạm bơm hiện đại, các khâu bón phân, phun thuốc… đều được thực hiện bài bản, khoa học. Hợp tác xã còn liên kết với nhiềudoanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và các công ty lương thực bao tiêu đầu ra cho hơn 500 héc-ta khác trong vùng lân cận.
Hợp tác xã Đức Huệ được vận hành bởi Hội đồng Quản trị với 7 thành viên do Huỳnh Thanh Thấm làm Chủ tịch, kiêm Giám đốc, một kỹ sư nông nghiệp giữ chức Phó giám đốc có trình độ quản lý chuyên nghiệp được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp tăng cường về hỗ trợ, giúp HTX trong mọi vấn đề. Xã Mỹ Quý cũng cử một cán bộ khuyến nông của xã thường xuyên đến hỗ trợ, tư vấn và trực tiếp ra đồng với các xã viên để chăm sóc cánh đồng mẫu lớn của hợp tác xã. UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân để thuê đất mở rộng diện tích sản xuất lúa và thuê máy san phẳng mặt ruộng trong 3 năm để tăng cường vốn cho Hợp tác xã Đức Huệ mở rộng diện tích.
Rất tin tưởng vào mô hình của mình, cùng một tương lai mở rộng sản xuất trên diện tích lớn, anh Thấm cho biết, trước mắt, năm 2016 sẽ cố gắng mở rộng quy mô 1.000 héc-ta đất liền kề để quy hoạch sản xuất lúa, xây dựng thương hiệu lúa sạch cho chất lượng gạo cao, đủ điều kiện xuất khẩu, bên cạnh đó, hợp tác xã cũng sẽ trồng thử nghiệm một số loại hoa màu theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đa dạng hóa sản phẩm và gia tăng giá trị nông sản cho người dân.
Ông Đinh Minh Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Tháp Mười đánh giá, đây là mô hình mới, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Mô hình đã tập trung đất canh tác với quy mô lớn, giảm bớt chi phí vật tư nông nghiệp do mua với số lượng lớn, đồng thời tạo được việc làm cho lao động tại địa phương.
Chứng kiến sự thành công của Hợp tác xã Đức Huệ, ông Võ Công Minh, Phó chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp rất tâm đắc với mô hình này. “Hợp tác xã Đức Huệ đã tập hợp nông dân tổ chức sản xuất diện tích lớn, liên kết với doanh nghiệp đem lại lợi nhuận cao cho nông dân. Trong tương lai, cần nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh”, ông Minh nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn