Tham gia HTX người trồng ca cao có thu nhập cao hơn.
Nhất là khi việc triển khai dự án thí điểm thương mại công bằng (TMCB) với một số HTX ca cao ở vùng Tây Nguyên thông qua hợp tác giữa Liên minh HTX Việt Nam với Tổ chức phát triển Vương quốc Bỉ tại Việt Nam và tổ chức Fairtrade Asia Pacific tại Việt Nam từ tháng 3-2016 đến nay đang cho thấy những tín hiệu rất tích cực.
Đặc biệt, đã hình thành được mạng lưới HTX ca cao tại Đắk Lắk và Đắk Nông để phát triển chuỗi giá trị ca cao và đưa ra thị trường quốc tế.
Có 3 HTX, tổ hợp tác điển hình tham gia dự án NAPP là HTX Thành Đạt, HTX ca cao Ea Kar và tổ hợp tác Krong No. Chỉ tính riêng về kết quả kinh doanh của mỗi hội thành viên ở 3 đơn vị này trước và sau khi có dự án đã thấy rõ mức hiệu quả như thế nào.
Đơn cử như tại HTX ca cao Ea Kar (huyện Eakar, Đắc Lắc), trước khi có dự án (năm 2015) thì thu nhập vào khoảng 80 - 120 triệu đồng/năm/hộ thành viên. Nhưng sau khi thực hiện dự án theo tiêu chuẩn TMCB thì kết quả là 150 - 200 triệu đồng/năm/hộ thành viên. Tổng doanh thu của HTX này vào năm 2016 đã tăng khá tốt, đạt hơn 2,24 tỷ đồng.
Đánh giá chung của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy 3 HTX, tổ hợp tác này đều đạt chứng nhận ca cao đạt tiêu chuẩn TMCB. Họ cũng đạt vượt mức chỉ tiêu đặt ra về số lượng thành viên tham gia HTX, doanh số kinh doanh và tác động của dự án đến cộng đồng. Phía Liên minh cũng đề xuất thông qua dự án NAPP để tìm đầu ra cho các sản phẩm ca cao Việt cũng như tìm đối tác liên doanh liên kết đầu tư dây chuyền chế biến các sản phẩm cacao tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đắc Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX Việt Nam cho biết việc hình thành tổ chức lại sản xuất ca cao theo hướng phát triển bền vững với nhiều hình thức liên kết, với nhiều thành phần khác nhau để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả và từ đó đáp ứng được nhu cầu người dân, đặc biệt là nâng cao thu nhập cho nông dân.
“Quá trình triển khai dự án NAPP cần phải được đánh giá khách quan những việc đã làm vừa qua và kết quả đạt được về những vấn đề tổ chức sản xuất, về hộ thành viên, liên kết, bảo quản chế biến...để thực hiện được tiêu chuẩn TMCB. Mục tiêu là làm sao thương hiệu ca cao Việt Nam không những được tiêu thụ trong nước mà còn phát triển ra thị trường thế giới, vốn đã được Hội đồng tiêu chuẩn và Hội đồng ca cao Quốc tế ghi nhận” - Phó chủ tịch Liên minh nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc triển khai tiêu chuẩn TMCB cho các HTX ca cao ở Việt Nam, ông Trần Ban Hùng, đại diện Fairtrade Asia Pacific tại Việt Nam, cho rằng hơn 400 nông dân trồng ca cao ở Đắk Lắk và Đắk Nông được hỗ trợ theo tiêu chuẩn TMCB thông qua dự án NAPP và 3 HTX, tổ hợp tác Thành Đạt, Ea Kar, Krong No được chứng nhận TMCB và tiếp cận thị trường EU đã minh chứng cho sự hiệu quả này.
Tất cả mới chỉ là bắt đầu và còn nhiều việc phải làm. Việc xuất khẩu ca cao theo kênh TMCB sẽ mang lại lợi ích lớn cho nông dân và các HTX ca cao. Việc tạo hướng đi bền vững cho ca cao Việt Nam nói chung và các HTX ca cao nói riêng cần sự đồng hành của TMCB và khuyến khích đối tác theo TMCB. Tin rằng, mô hình TMCB cho sản phẩm ca cao ở Việt Nam sẽ thành công như đã từng làm với cà phê, tiêu, điều, trái cây…
Theo Quốc Định - Đình Lịch/Báo Đại Đoàn Kết.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn