Nhiều năm qua, huyện Ba Vì luôn chú trọng công tác huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, diện mạo của huyện và đời sống của nhân dân có chuyển biến tích cực.
Ba Vì là huyện bán sơn địa, có 3 dân tộc: Kinh, Mường, Dao sinh sống trên địa bàn 31 xã, thị trấn, trong đó 7 xã thuộc miền núi, 1 xã nằm ở bãi giữa sông Hồng. Do địa bàn rộng, địa hình chia cắt, nguồn lực đầu tư hạn hẹp… nên việc phát triển kinh tế - xã hội gặp không ít khó khăn.
|
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của huyện Ba Vì ngày càng khang trang hơn. |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần, 10 năm trở về trước, phần lớn cơ sở hạ tầng của địa phương như: Hệ thống cung cấp điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nội đồng… xuống cấp hoặc chưa được đầu tư. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ba Vì luôn chiếm hơn 30%. Tuy nhiên, từ khi hợp nhất với Thủ đô (2008), thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo được cải thiện đáng kể.
Tính đến cuối năm 2017, huyện Ba Vì đã huy động 1.248 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ hơn 973 tỷ đồng, ngân sách huyện hỗ trợ gần 212 tỷ đồng, ngân sách xã 13 tỷ đồng… Sử dụng hiệu quả nguồn lực này, hệ thống giao thông liên xã, liên thôn, nội đồng của huyện Ba Vì đã được cứng hóa, tu sửa, nâng cấp giúp việc đi lại và giao thương của nhân dân dễ dàng hơn. Hệ thống thủy lợi ở các xã đã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Hệ thống điện lưới, viễn thông đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, phục vụ sản xuất. Mạng lưới chợ nông thôn được nâng cấp, xây mới góp phần phục vụ nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường và phục vụ đời sống nhân dân. Trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thể thao, trường học... được đầu tư xây dựng cơ bản, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao trình độ và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ở các xã trên địa bàn huyện… Kết thúc năm 2017, huyện Ba Vì có 13/31 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Hai xã: Phú Cường, Chu Minh đang tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện các tiêu chí còn lại để "cán đích" nông thôn mới trong năm 2018. 13 xã đạt và cơ bản đạt từ 13 đến 18 tiêu chí, 4 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 đến 12 tiêu chí...
Nhờ phát triển hệ thống hạ tầng nông thôn nên hiện nay trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, với 375 mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi gà đồi ở xã Thụy An, Ba Trại, Cẩm Lĩnh; chăn nuôi bò sữa ở xã Vân Hòa, Tản Lĩnh; nuôi thỏ ở xã Cẩm Lĩnh; nuôi cá ở xã Phú Đông; trồng rau an toàn ở xã Chu Minh; sản xuất chè sạch ở xã Ba Trại... Bên cạnh đó, huyện Ba Vì cũng tổ chức lại sản xuất để phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với kết cấu hạ tầng mới đầu tư theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, giải quyết tình trạng lao động thiếu việc làm, từng bước nâng thu nhập cho cư dân nông thôn. Hằng năm, huyện đào tạo nghề cho 3.500 lao động nông thôn. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ba Vì cuối năm 2017 giảm, còn 4,78%; thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt hơn 33 triệu đồng/người/năm, tăng 25 triệu đồng so với năm 2008...
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có 70% số xã đạt chuẩn và đến năm 2030, hoàn thành đề án xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, huyện Ba Vì tiếp tục khai thác thế mạnh, phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, huyện Ba Vì mong muốn TP Hà Nội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cho địa phương…
Theo Thanh Sơn/Báo HNM.vn