Nhiều xã chưa đạt tiêu chí thu nhập
Sau 7 năm triển khai xây dựng NTM, diện mạo nông thôn xã Tòng Bạt đã có những đổi thay đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Đến nay, xã đã hoàn thành được 14/19 tiêu chí, 5 tiêu chí cơ bản đạt là trường học, đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo.
Người dân huyện Ba Vì thu hoạch chè. Ảnh: H.Đ
Phó Chủ tịch UBND xã Tòng Bạt Chu Bùi Thơm cho biết: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, thời gian qua, xã đã huy động toàn dân cùng vào cuộc. Kết quả đã huy động đóng góp được hơn 5 tỷ đồng để bê tông hóa đường làng ngõ xóm. Để có nguồn vốn đối ứng, năm 2018 xã đã tiến hành đấu giá thành công 31 lô đất với diện tích 4.500m2, số tiền thu được hơn 19 tỷ đồng.
“Từ nguồn vốn hỗ trợ của huyện, thành phố và nguồn vốn huy động trong dân, thời điểm này xã đã có đủ nguồn lực và lộ trình cụ thể cho việc hoàn thành 5 tiêu chí còn lại” – ông Thơm khẳng định.
Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã mới chỉ đạt mức 31 triệu đồng/năm. Xã đặt mục tiêu sẽ nâng mức thu nhập bình quân lên thành 45 triệu đồng vào năm 2019. Mục tiêu này xã hoàn toàn có thể đạt được, bởi với mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của toàn xã xấp xỉ 12%.
Bên cạnh Tòng Bạt, 2 xã Ba Vì và Khánh Thượng cũng đang gặp nhiều khó khăn với việc thực hiện thành công tiêu chí thu nhập. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện - ông Hoàng Trúc Phong, các xã Chu Minh, Phú Cường năm 2018 phấn đấu về đích cũng mới đạt 12/19 tiêu chí.
Cả hai xã này vẫn đang vướng tiêu chí về cơ sở vật chất trường học; thu nhập cũng mới đạt 37 triệu đồng/người/năm (trong khi mục tiêu năm 2018 là 41 triệu đồng/người/năm).
Trồng và kinh doanh chè là một trong những nghề cho thu nhập chủ yếu tại các xã miền núi của Ba Vì. Ảnh: Hải Đăng
"Ba Vì phấn đấu năm 2018 hoàn thành NTM ở 2 xã Chu Minh và Phú Cường, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 15/30 xã. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm mới để nâng cao thu nhập, giảm dần hộ nghèo theo chuẩn mới”. Ông Nguyễn Đình Dần |
Cần hỗ trợ nhiều mặt
Thực tế cho thấy, đối với các địa phương miền núi, địa hình rộng, dân cư phân bố rải rác thì việc thực hiện các tiêu chí cần nhiều kinh phí là vô cùng khó khăn. Sự không thuận lợi trong canh tác sản xuất khiến các tiêu chí thu nhập, lao động việc làm, hộ nghèo trở nên nan giải, cần sự hỗ trợ cả về nguồn lực và định hướng của các cấp từ trung ương đến địa phương.
Theo ông Phong, hạ tầng ở Ba Vì còn thiếu rất nhiều, hiện 13/30 xã chưa đạt tiêu chí cơ sở vật chất trường học, 30/30 xã chưa có trung tâm văn hóa xã, rất nhiều thôn chưa có nhà văn hóa…
Trong khi đó, nguồn lực đầu tư xây dựng NTM từ ngân sách hạn chế, chưa huy động và thu hút được nhiều đơn vị tham gia. Các xã cũng chưa chủ động xây dựng kế hoạch khai thác nguồn lực từ đất để xây dựng NTM mà vẫn chủ yếu trông chờ vào kinh phí hỗ trợ từ cấp trên.
Ông Nguyễn Đình Dần - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho hay: Ba Vì chủ trương chỉ đạo các xã thực hiện và gìn giữ các tiêu chí cần ít kinh phí. Bên cạnh đó, huyện sẽ tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của thành phố, chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách huyện để hỗ trợ đồng bào cải tạo hạ tầng phục vụ sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nghề lao động nông thôn để bà con có thêm nghề phụ, nâng cao thu nhập.
“Huyện cũng mong muốn thành phố tiếp tục có cơ chế chính sách huy động nguồn lực và ưu tiên phân bổ kinh phí cho các xã phấn đấu về đích NTM năm 2018; ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, xem xét bổ sung quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh tập trung để tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất” - ông Dần nói.
Cũng theo ông Dần, trước mắt năm nay, huyện Ba Vì tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành những vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao để nông sản có năng suất, chất lượng cao hơn...
Theo Hải Đăng/baodanviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn