Huyện Đông Hưng nằm tiếp giáp với thành phố Thái Bình, có kinh tế phát triển sôi động. Các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, đầu tư, các khu dân cư sầm uất dần tăng nhịp đô thị hóa. Tuy vậy, nông nghiệp nông thôn của Đông Hưng cũng luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo địa phương. Bởi vậy những dấu ấn trong phong trào xây dựng NTM ở Đông Hưng rất rõ nét.
Chợ nông thôn xã Đông Các, huyện Đông Hưng (Trọng Đạt)
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Khi Xây dựng NTM, huyện Đông Hưng đã có nhiều sáng tạo không chỉ trong triển khai thực hiện mà cả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền.
Một trong những dấu ấn trong công tác chỉ đạo ở Đông Hưng là Thường trực Huyện ủy thường xuyên tổ chức các đoàn đi nghe các xã báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí. Nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, Thường trực Huyện ủy Đông Hưng tổ chức nghe từng nhóm xã có cùng vướng mắc, khó khăn hoặc những xã đăng ký về đích sớm. Trong buổi làm việc với các địa phương, các đồng chí lãnh đạo huyện đã nghe kết quả triển khai, lộ trình thực hiện các tiêu chí còn lại, chú ý đến những khó khăn, vướng mắc như vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới, công tác quy hoạch... cũng như thủ tục hành chính của các phòng chuyên môn cấp huyện trong việc thẩm định, phê duyệt các công trình, các phần việc cho địa phương. Cũng tại các buổi làm việc Thường trực Huyện ủy đã quyết một số vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền giúp địa phương yên tâm, thông thoáng trong tổ chức triển khai.
Hạ tầng giao thông của Đông Hưng được quan tâm đầu tư (Trọng Đạt)
Nhờ sát sao trong chỉ đạo, điều hành nên Đông Hưng đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng NTM. Trong đó nổi bật là phong trào làm đường giao thông nông thôn. Ở hầu hết các địa phương, nhân dân trong thôn, xóm đều tự đóng góp ngày công, tiền của và huy động vốn từ con em xa quê để làm đường. Phần lớn các tuyến đường nông thôn trước đây là đường gạch, xây dựng từ hàng chục năm nay đã xuống cấp gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đến nay, nhiều tuyến được bê tông hóa rộng từ 3 - 9m và có rãnh thoát nước. Ở những nơi đó, các hộ dân không chỉ tham gia đóng góp ngày công lao động, góp tiền mà còn tự nguyện phá bỏ tường bao, công trình phụ, hiến đất để làm đường. Theo đó, nhân dân trong huyện đã hiến 750.210m2 đất làm đường giao thông, tự nguyện tháo dỡ 10.500m tường để mở rộng đường sá.
Cánh đồng màu xã Nguyên Xá (Đông Hưng) mối năm cho thu nhập 120 triệu đồng/sào.
Đến cuối năm 2015, toàn huyện đã nâng cấp, làm mới 746,5km đường giao thông nông thôn, trong đó nhiều xã làm tốt như Hồng Việt, Phú Lương, Đông La, Nguyên Xá, Hồng Châu, Đông Phương... Kết thúc năm 2015, toàn huyện có 17 xã đạt chuẩn NTM. Với thành quả đó, Đông Hưng sẽ tiếp tục phấn đấu để tới năm 2020 có trên 70% số xã đạt chuẩn NTM.
Tổng nguồn vốn huy động xây dựng công trình kết câu hạ tầng NTM ở Đông Hưng từ 2011 - 2015 đạt 1.707,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 879,3 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 382,5 tỷ đồng, vốn xã hội hóa là 363,5 tỷ đồng.
theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn